Ngân hàng - Bảo hiểm
Căn nguyên khiến nhiều ngân hàng phải báo lỗ
Thùy Vinh - 22/02/2019 09:33
Nợ xấu phần nào được đẩy lùi, song nợ xấu mới phát sinh đã làm dự phòng rủi ro tăng mạnh trong quý cuối năm qua, dẫn đến nhiều nhà băng lỗ nặng trong quý IV/2018.
Nhiều ngân hàng đang phải tăng mạnh dự phòng rủi ro do nợ xấu gia tăng. Ảnh: Chí Cường

Dự phòng tăng đột biến

Kết thúc hoạt động năm 2018, lợi nhuận của Eximbank chỉ đạt 827 tỷ đồng trước thuế, giảm 19% so với năm 2017. Nguyên nhân là phải trích lập dự phòng cao, dẫn đến lỗ trong quý IV/2018. Hội đồng Quản trị Eximbank cho biết, chênh lệch thu chi lũy kế trong năm 2018 đạt 1.705 tỷ đồng so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 1.600 tỷ đồng, song do muốn đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, Eximbank đã quyết dùng phần lớn chênh lệch thu chi trước thuế để trích thêm dự phòng (tổng cộng 904 tỷ đồng).

Trong khi đó, Saigonbank cũng ghi nhận lỗ gần 70 tỷ đồng trong quý IV/2018. Ngoài nguyên nhân tăng trưởng tín dụng âm hơn 3% trong quý cuối năm khiến thu nhập lãi thuần của nhà băng này chỉ tăng 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, đạt 661 tỷ đồng, thì việc trích lập dự phòng lớn cũng ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận hoạt động của ngân hàng này.

Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro của Saigonbank tăng 22%, lên 344 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2018, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 52,5 tỷ đồng, giảm 26,1% so với năm 2017 và riêng quý IV/2018 lỗ tới gần 70 tỷ đồng.

Không chỉ các nhà băng nhỏ, mà ngay cả “ông lớn” VietinBank cũng báo lỗ 853 tỷ đồng trong quý IV/2018, do nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến. Với mức lãi trước thuế 6.742 tỷ đồng trong năm 2018, VietinBank bị rơi xuống vị trí thứ 7 về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng, bằng chưa đến 1/3 của Vietcombank.

Lợi nhuận của VietinBank sụt mạnh trong quý IV/2018 chủ yếu do chi phí lãi tăng đột biến. Theo báo cáo tài chính quý IV/2018, VietinBank được hoàn nhập dự phòng 582 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế chỉ lỗ 853 tỷ đồng.

Nỗ lực giảm nợ xấu

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc trích lập dự phòng rủi ro hay cụ thể hơn là tình hình xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng đã có tác động rất lớn tới kết quả lợi nhuận của các ngân hàng. Nhiều nhà băng phải dùng đến hơn một nửa lợi nhuận để bổ sung chi phí dự phòng rủi ro trong năm qua. Tuy nhiên, theo ông Lịch, chi phí dự phòng chính là một trong những phương án tốt nhất để ngân hàng dùng để xử lý nợ xấu. Nhiều nhà băng vẫn tiếp tục chủ động hy sinh bớt lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro.

BIDV là ngân hàng có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cao nhất trong năm vừa qua, đạt tới hơn 28.300 tỷ đồng, cao hơn cả Vietcombank (25.679 tỷ đồng). Tuy nhiên, BIDV cũng là ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro lớn nhất trong hệ thống, lên tới hơn 18.800 tỷ đồng, “ngốn” đến 2/3 lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế của BIDV sau trích lập chỉ còn hơn 9.400 tỷ đồng, thua xa Vietcombank (18.300 tỷ đồng), do Vietcombank chỉ phải trích hơn 7.300 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro cả năm qua.

Sở dĩ BIDV phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng là do đang ôm khối nợ xấu lớn nhất trong hệ thống. Đến cuối năm 2018, nợ xấu nội bảng tại BIDV là 16.697 tỷ đồng, tăng 18,7% so với đầu năm.

Cũng chính đã tăng trích lập dự phòng nên nợ xấu của Eximbank được đẩy lùi. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Eximbank đạt 152.709 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Nợ xấu nội bảng của ngân hàng này cũng giảm 16,4% so với đầu năm 2018, xuống mức 1.921 tỷ đồng, chiếm 1,84% tổng dư nợ cho vay tại Eximbank.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó tổng giám đốc Eximbank cho hay, quan điểm của Ngân hàng là luôn đảm bảo tính an toàn trong hoạt động, nên tăng trích dự phòng.

Tương tự, do trích dự phòng rủi ro cao, đến cuối năm 2018, nợ xấu tại Saigonbank là 301 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm. Nợ xấu tại Saigonbank đã giảm tới 66% trong 2 tháng cuối năm.

Việc nợ xấu sụt giảm mạnh thời gian qua, theo ông Vũ Quang Lãm, thành viên HĐQT đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Saigonbank, là do tăng trích dự phòng, tập trung xử lý nợ theo đề án đã được duyệt.

Dự phòng rủi ro được dự báo tăng mạnh trong năm nay

Dự phòng rủi ro tín dụng được cho là sẽ tăng mạnh năm nay. Lý do là các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đây đã đến thời hạn tất toán, nên nhà băng phải nhận lại nợ xấu và nếu chưa xử lý được thì phải tăng trích dự phòng.

Tin liên quan
Tin khác