Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng đặc biệt là các tuyến đường vành đai và cao tốc, các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đang nghiên cứu các phương án thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.
Đường vành đai 3, TP.HCM hiện đang được thi công đồng loạt tại 4 tỉnh thành gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai . Trong ảnh thi công đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM -Ảnh: Lê Toàn |
Tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần 4, quý I/2024 diễn ra mới đây, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã đưa ra 5 phương án thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ dựa trên khuôn khổ pháp lý và thực tiễn của Việt Nam.
Trong phương án 5 có hai lựa chọn. Một là thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng dưới hình thức một ngân hàng đầu tư hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật liên quan hiện hành. Hai là thành lập Quỹ đầu tư quốc gia phát triển hạ tầng vùng.
Theo nhóm nghiên cứu, về bản chất 5 phương án nói trên có thể chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 (giải pháp ngắn hạn, trước mắt) là cải tiến, nâng cấp và sửa đổi các định chế hiện hành (các quỹ đầu tư phát triển địa phương và VDB). Nhóm 2 là thành lập mới Quỹ phát triển hạ tầng vùng (giải pháp trung và dài hạn).
Nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thống nhất rằng 2 nhóm giải pháp không thay thế nhau, mà bổ sung cho nhau và cần có 2 giai đoạn đối với mô hình Quỹ phát triển hạ tầng vùng:
Giai đoạn 2024 - 2026, các hành động thực hiện trong ngắn hạn là vừa nâng cấp, cải tiến và mở rộng phạm vi hoạt động của các Quỹ đầu tư phát triển địa phương trong vùng.
Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 2, khoản 1 Điều 3, khoản 1 Điều 15, Điều 27 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Đồng thời, nghiên cứu ban hành các tiêu chí áp dụng cho quỹ đầu tư phát triển địa phương trong việc mở rộng, nâng cấp các hoạt động đầu tư vào các dự án vùng.
Ngoài ra, rà soát, đánh giá mô hình hoạt động của HFIC để có những cải tiến, nâng cấp phù hợp với quy mô và chiến lược phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Giai đoạn 2026 - 2030, nghiên cứu, xây dựng một định chế tài chính mới cho vùng Đông Nam Bộ như: Đề án thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ hoặc Quỹ quốc gia về đầu tư phát triển hạ tầng vùng với sự chủ trì của Bộ Tài chính và sự tham gia trực tiếp của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới.
Hiện nay, các địa phương đang bàn thảo, phân tích ưu nhược điểm của từng phương án trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý II/2024.
5 phương án thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ
Phương án 1: Không thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng mà mở rộng chức năng các quỹ đầu tư phát triển địa phương hiện hành, cho phép các quỹ này đầu tư, cho vay cấp vốn cho cả các dự án đầu tư vùng.
Phương án 2: Thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng trên cơ sở sáp nhập một số quỹ đầu tư phát triển địa phương trong vùng.
Phương án 3: Thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng trên cơ sở nâng cấp Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC).
Phương án 4: Bổ sung phạm vi hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) để bao gồm các chức năng của Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Phương án này đòi hỏi phải tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình hoạt động của VDB để bổ sung các chức năng của Quỹ phát triển hạ tầng vùng nhằm cấp vốn cho các tỉnh, thành phố thực hiện dự án đầu tư vùng.
Phương án 5: Thành lập mới Quỹ phát triển hạ tầng vùng
Nguồn: Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM