Đầu tư
Cân nhắc xây dựng Luật về Đặc khu kinh tế
Khánh An - 25/03/2014 08:51
PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hình thức đặc khu luôn hàm nghĩa vượt khung khổ pháp luật hiện hành, cả quy định pháp lý thuần túy về kinh tế, lẫn mô hình tổ chức quản lý hành chính và xã hội. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật về Đặc khu kinh tế hoặc Luật đặc biệt cho từng đặc khu. Xây dựng đặc khu kinh tế là chủ trương nhất quán

Thưa ông, tại sao lại phải đặt vấn đề xây dựng Luật về Đặc khu kinh tế khi mà các mô hình khu kinh tế với những cơ chế đặc biệt ở Việt Nam đã có?

Các đề xuất ý tưởng về việc xây dựng đặc khu kinh tế ở Việt Nam đã được đề cập từ khá lâu và cũng đã được ghi trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đến nay, Việt Nam mới chỉ có hình thức khu kinh tế (gồm 15 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu), chứ chưa có đặc khu kinh tế.

PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển,
(Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Nếu không kể đến những quy định khác nhau mang tính tiểu tiết, thì về cơ bản, các đặc khu kinh tế có chung đặc điểm là một phần lãnh thổ có quy chế đặc biệt, khác biệt hẳn với các quy định cho cùng đối tượng đối với những phần còn lại của nền kinh tế.

Các quy định bao gồm: mức độ tự do hóa trong quy định về chế độ thuế quan đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu, chế độ kiểm soát hải quan, chế độ quản lý hoạt động kinh doanh ở trong nội khu…, theo hướng tạo ra một sức hấp dẫn hơn hẳn các vùng khác, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển.

Nhưng sự phát triển của các đặc khu kinh tế không đơn thuần vì lý do kinh tế của riêng khu đó, mà có ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Đó là lợi ích chung của cả nền kinh tế ở góc độ tạo việc làm, thu hút các nguồn lực phát triển, mở rộng xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý, phát triển tổng hợp vùng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo nghĩa này, ở Việt Nam, đây là công việc mang tính đột phá, nên đòi hỏi quyết tâm cao. Đặc biệt, cần tạo dựng khung khổ pháp lý cho mô hình này.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Vì là mô hình với những cơ chế rất mới, nên cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, nhất quán từ Trung ương. Mặc dù việc thừa hành có thể ủy thác cho chính quyền địa phương, nhưng xét về tính chất và tầm vực, thì đây luôn là vấn đề quốc gia.

Hơn thế, hình thức đặc khu luôn hàm nghĩa “vượt” luật hiện hành, cả về những quy định pháp lý thuần túy về kinh tế, lẫn mô hình tổ chức quản lý hành chính và xã hội. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật về Đặc khu kinh tế hoặc Luật đặc biệt cho từng đặc khu. Việc xây dựng luật này không nhất thiết phải tự làm từ đầu, mà với tư cách của người đi sau, có thể và nên tham khảo, vận dụng luật về đặc khu kinh tế của những nước đi trước.

Cùng với đó, thước đo quan trọng nhất trong quá trình hình thành đặc khu là sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư lớn trên thế giới, trước hết là trên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp theo là các nhà kinh doanh, khai thác các thế mạnh, lợi thế sẵn có của đặc khu. Vì vậy, công tác tiếp thị, xúc tiến đầu tư… có ý nghĩa quan trọng.

Cuối cùng, cần sớm hình thành bộ máy triển khai khởi sự công việc với đội ngũ chuyên gia có năng lực và chuẩn bị nguồn nhân lực đạt trình độ đẳng cấp quốc tế cho sự vận hành trong tương lai. Đây là điều kiện không thể thiếu đối với sự ra đời và phát triển của đặc khu kinh tế.

Hiện có đề xuất lựa chọn một số địa điểm, cùng với Vân Đồn của Quảng Ninh, để hình thành đặc khu kinh tế. Theo ông, có cần phải xây dựng quy hoạch phát triển đặc khu kinh tế hay không để tránh tình trạng phát triển theo phong trào như đã từng xảy ra với khu kinh tế, khu công nghiệp?

Việc hình thành đặc khu kinh tế chắc chắn phải nằm trong khuôn khổ chung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Đã là đặc khu thì không thể làm theo phong trào được, vì ở đâu cũng làm thì sao còn là đặc khu được nữa.

Vậy nên, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng cả về vị trí địa lý, quy mô, lẫn mô hình tổ chức. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các đặc khu kinh tế thành công đều nằm ở vị trí đắc địa: giao thông thuận lợi, được hậu thuẫn bởi các đô thị lớn có nguồn lao động dồi dào, thị trường lớn, phong cảnh đẹp…

Và có lẽ điều không thể thiếu là, khi hình thành ra một đặc khu, các nhà đầu tư lớn trên thế giới có chọn đó là điểm đến hay không? Để đáp ứng những yêu cầu trên, việc quy hoạch phát triển đặc khu được quản lý tập trung từ Trung ương là yêu cầu cần thiết.

Tin liên quan
Tin khác