Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Thưa ông, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội đã có những thay đổi so với kỳ họp bất thường (tháng 1/2022). Lo ngại về những tác động tiêu cực tới việc triển khai các gói giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế đã xuất hiện. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Trước hết, tôi muốn nhắc đến kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV vào tháng 1/2022. Quốc hội đã có một quyết định bất thường, để quyết những giải pháp bất thường cho sự phục hồi kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài.
Nhưng việc thực hiện, theo tôi, đang thiếu đi tính bất thường cần có, nhất là trong bối cảnh hiện tại, kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi phức tạp hơn, những điểm khác hơn so với đầu năm.
Đó là lạm phát bên ngoài tăng cao, giá năng lượng cao... tạo áp lực lên lạm phát trong nước; thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước biến động phức tạp; xung đột Nga - Ukraine tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp với thị trường này; đầu tư của doanh nghiêp tư nhân trong nước đang bị trầm xuống... Trong bối cảnh này, dư địa của chính sách tiền tệ càng thu hẹp.
Đáng nói là, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đã lỡ nhịp, vì sau năm 2021 có tốc độ hồi phục mạnh mẽ, các nền kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại.
Vì vậy, tôi vẫn chờ đợi nhiều hơn giải pháp, cách làm bất thường, để kịp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phục hồi kinh tế.
Chờ đợi “nhiều hơn giải pháp, cách làm bất thường” này dành cho Quốc hội hay Chính phủ, thưa ông?
Cả Quốc hội và Chính phủ.
Ví dụ, trong gói giải pháp thúc đẩy đầu tư công, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ phải rà soát, hoàn thiện danh mục dự án, chương trình sử dụng vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi phân bổ.
Nhưng tới thời điểm hiện tại, danh mục chưa hoàn thiện; nếu đợi, thì có thể tiến độ của Chương trình lệ thuộc vào những phần việc chậm trễ.
Theo quan điểm của tôi, bên cạnh việc thúc đẩy Chính phủ hoàn thiện danh mục, nếu có cơ chế, dự án nào đủ điều kiện thực hiện, có tác động lan tỏa nhanh, thì có thể cho phép thực hiện trước, không chờ đợi.
Tương tự, với các dự án trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội về chủ trương đầu tư, gồm Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Quốc hội có thể có các cuộc làm việc bất thường, tạo sức ép, nhưng cũng cần cùng với Chính phủ hoàn thiện thủ tục cho việc triển khai các dự án.
Cơ sở của khuyến nghị này là, đây là những dự án đã có quy hoạch, đã đánh giá hiệu quả, tác động lan tỏa trong thu hút nguồn lực đầu tư, tạo cơ hội phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển của khu vực, không thể không làm, nên cần quy trình đặc biệt để giải nhanh các thủ tục.
Quốc hội đã cho cơ chế bất thường, thì việc thực hiện các thủ tục cũng phải theo tinh thần bất thường này.
Trong số các gói giải pháp hỗ trợ phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào gói hỗ trợ lãi suất 2% vừa được Chính phủ ký ban hành vào ngày 20/5…
Có lẽ, Chính phủ cần đánh giá cẩn trọng giải pháp này để có đề xuất hoặc định hướng phù hợp, vì như tôi đã nói, bối cảnh kinh tế đã thay đổi khá nhiều so với thời điểm đề xuất và quyết định giải pháp hỗ trợ lãi suất.
Trong bối cảnh cần phải hạn chế cung tiền, dành ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô như đã đề cập ở trên, tác động của việc thực hiện gói giải pháp hỗ trợ lãi suất 2% có thể sẽ không như kỳ vọng khi đưa ra vào tháng 1/2022.
Theo tôi, thời điểm này, nên tập trung vào gói giải pháp thúc đẩy đầu tư công, mở cơ hội cho các khu vực doanh nghiệp tham gia. Thực tế đã chứng minh, nếu có cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân có thể triển khai rất nhanh, hiệu quả, kể cả các dự án quy mô lớn như sân bay, đường cao tốc...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành ưu tiên trong thúc đẩy đầu tư công, thành lập nhiều tổ công tác...
Nhưng giờ là đã gần hết nửa năm 2022, mà tiến độ đầu tư công chưa được cải thiện. Tôi cho rằng, các tổ công tác ở cả địa phương và trung ương cần có cách làm khác, đúng nghĩa bất thường. Các dự án phải được đặt lên bàn, họp tiến độ hằng tuần, gọi tên vướng mắc, nút thắt để xác định rõ thẩm quyền xử lý, từ đó có đề xuất giải pháp, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, cùng vào cuộc của Quốc hội.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiệm vụ của Chính phủ thực sự nặng nề, khi vừa tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành kinh tế vĩ mô; vừa thúc đẩy thực thi, năng lực thực thi.
Tôi rất trông chờ vào nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ khi thực hiện các nhiệm vụ rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định liên quan đến phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, như pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động.
Nhìn rộng hơn, các thể chế này liên quan đến năng lực sản xuất, tạo tài sản cho nền kinh tế, nên cần xác định cái gì thừa thì bỏ, trùng lặp thì gọn lại.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ chưa thể có thay đổi ngay. Chính phủ có thể bắt đầu bằng việc cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân. Trong triển khai thực tế, cũng phải thay đổi theo hướng không tạo tăng chi tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, cần có những bước đột phá trong phát triển, như xây dựng trung tâm tài chính, kinh tế, cho địa phương thí điểm thu thuế tài sản để dành cho ngân sách địa phương...