Một trong những lực đẩy giúp du lịch Phú Yên phát triển là có chính sách săn được các nhà đầu tư lớn. |
Tại Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch Phú Yên tổ chức hôm qua (30/3) tại Hà Nội, ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Yên cho biết: “Du lịch Phú Yên đã tăng từ 20 - 30% mỗi năm. Phú Yên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, giáp nhiều tỉnh, hệ thống giao thông phong phú nhưng hạ tầng của tỉnh vẫn còn yếu kém. Đây là một trong những hạn chế kìm hãm sự phát triển du lịch”.
Ông Bảy cũng thừa nhận, sản phẩm du lịch của Phú Yên hiện chưa phong phú, chưa tạo được sự đa dạng cho du khách. Do đó, mục tiêu của Phú Yên đặt ra là sẽ nỗ lực cải thiện những điểm nghẽn và tránh việc chỉ phụ thuộc mỗi lợi thế về tài nguyên.
Là một tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nằm giữa hai dãy đèo lớn của đất nước là đèo Cù Mông phía Bắc và đèo Cả ở phía Nam, có giao thông thuận lợi, Phú Yên được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển và thu hút du lịch.
Với bờ biển gần 190 km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm, mũi, gành, những bãi tắm… mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ thú đã tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến với Phú Yên.
Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Phú Yên còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa.
Nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa và hòa hợp của nền văn hóa Việt – Chăm với Tháp Nhạn, Thành Hồ cổ kính. Đặc biệt là di sản Văn hóa Đá với các di tích danh thắng quốc gia Núi Đá Bia, chùa Đá Trắng, tiêu biểu là bộ Kèn đá và Đàn đá Phú Yên có niên đại cách đây khoảng 2.500 năm…. Nhiều lễ hội gắn với cư dân vùng biển, đặc trưng như Lễ hội cầu ngư, các làn điệu dân ca; các điệu dân vũ rất đặc sắc như Hô bài chòi, Hò khoan, Hò bả trạo, Hò kéo lưới…; những làng nghề truyền thống như nghề chế biến nước mắm, sản phẩm mỹ nghệ ốc đá, vỏ gáo dừa… Ẩm thực Phú Yên cũng khá nổi tiếng với ốc nhảy Sông Cầu, ghẹ Đầm Cù Mông, sò huyết, hàu đầm Ô Loan, gỏi sứa, cá ngừ đại dương, các loại nước mắm hảo hạng….
Tuy nhiên, du lịch Phú Yên hiện vẫn bị đánh giá là phát triển không xứng tầm với lợi thế của tỉnh.
“Mặc dù các doanh nghiệp đều tâm huyết với điểm đến này. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó khăn khi đưa khách tới Phú Yên do tần xuất bay hạn chế, cơ sở lưu trú ít lựa chọn. Do đó, Phú Yên cần thúc đẩy hàng không, có trợ giá cho doanh nghiệp, cần có quỹ hỗ trợ xúc tiến làm sao để du khách tăng chi tiêu. Cùng với đó, Phú Yên cũng phải giải được bài toán tổng chi phí của 1 du khách đến thì mới khai thác được du lịch”, ông Nguyễn Nguyễn Hồng Đài, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô nói.
Đặt trong lợi thế so sánh, bà Trần Thị Thanh Tâm, Công ty Du lịch Vietrantours cho rằng, Phú Yên đang có điều kiện thuận lợi vượt trội so với Quy Nhơn. Theo bà Tâm, khách du lịch đến Phú Yên nhiều nhất là sau hiệu ứng phim “Hoa vàng trên cỏ xanh”. Tuy nhiên so với Quy Nhơn thì lượng khách đến Phú Yên hiện đã bắt đầu chững lại. Lý do là Phú Yên đang thiếu dịch vụ bổ sung, thiếu sự cạnh tranh, cơ sở lưu trú không mới và tại những điểm du lịch, thông tin giới thiệu không sâu, thiếu sự dẫn dắt.
Nhìn ở tầm vĩ mô, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Phú Yên đang nắm lợi thế của người đi sau. Do đó, Phú Yên cần có chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư hạ tầng. Phải có nhà đầu tư tầm cỡ, tạo ra sản phẩm mang tính mũi nhọn. Chính sách “săn đón” các nhà đầu tư lớn sẽ giúp ích nhiều cho du lịch Phú Yên phát triển”.
Ông Chung cũng cho rằng, Phú Yên cần tập trung phát triển thị trường Đông Bắc Á, Đông Âu, Tây Âu vì đây sẽ là những là dòng khách chính quan tâm đến Phú Yên bên cạnh việc có quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, để xác định dòng sản phẩm chính, tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững.