Ngày 1/7, Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu Tòa án Nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp thực hiện nghiêm túc các nội dung liên quan đến xét xử các vụ án rửa tiền.
Đây là một trong các hoạt động được giao của Tòa án Nhân dân tối cao tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, của Thủ tướng Chính phủ.
Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. |
Theo đó, đối với những vụ án xét xử tội “rửa tiền”, cùng với tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao, trung bình cao như tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Tham ô tài sản”; “Mua bán trái phép chất ma túy”; “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; “Trốn thuế”; “Đánh bạc”; “Tổ chức đánh bạc"... thì cần phân công các thẩm phán có trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm tốt để khẩn trương nghiên cứu, xét xử nhanh chóng, đúng pháp luật.
Thêm vào đó, đối với các vụ án xét xử tội “rửa tiền” cùng tội phạm nguồn của tội “rửa tiền”, phải được báo cáo, thống kê riêng.
Theo Tòa án Nhân dân tối cao, hiện tại, nhiều tòa án địa phương chỉ thống kê theo tội phạm nguồn, nên số liệu vụ án về tội “rửa tiền” bị ẩn, dẫn đến tổng hợp sai số liệu xét xử về các vụ án này.
Ngoài ra, khi kết thúc năm công tác, phải làm báo cáo riêng về các vụ án xét xử tội “rửa tiền”, gồm các mục như: số vụ án “rửa tiền” xét xử trong năm công tác; số bị cáo bị xét xử; tội phạm nguồn bị xét xử của tội “rửa tiền”; đối với các bản án xét xử sơ thẩm ghi rõ đã có hiệu lực pháp luật có kháng cáo...
Tòa án Nhân dân tối cao cũng yêu cầu, ngay sau khi phát hành bản án xét xử về tội “rửa tiền”, Tòa án Nhân dân các cấp và Tòa án Quân sự các cấp phải gửi bản án đến cơ quan này, đồng thời gửi bản mềm để báo cáo, tổng hợp.
Cùng với đó, Tòa án Nhân dân tối cao yêu cầu tiếp tục thực hiện các nội dung đã nêu tại Công văn số 372/TANDTC-V1 ngày 27/9/2018.
Theo công văn này, Tòa án Nhân dân tối cao yêu cầu khẩn trương nghiên cứu hồ sơ các vụ án mà Viện Kiểm sát truy tố về tội “rửa tiền”, đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Trong trường hợp có vướng mắc trong quá trình giải quyết, thì báo cáo để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ;
Ngay sau khi xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) các vụ án về tội “rửa tiền”, phải báo cáo ngay kết quả xét xử, kèm bản án đến Tòa án Nhân dân tối cao để kịp thời cập nhật, tổng hợp.