Ngân hàng - Bảo hiểm
Cạn room tín dụng, ngân hàng mạnh tay cho vay
Thùy Vinh - 30/09/2018 13:10
Bên cạnh những ngân hàng không còn nhiều dư địa cho vay trong mùa cao điểm cuối năm, vẫn còn nhiều ngân hàng khác thừa chỉ tiêu.

Còn nhiều dư địa

Trong khi một số ngân hàng như TPBank, LienvietpostBank hay VIB đã dần cạn room tín dụng, thì vẫn còn nhiều ngân hàng đang thừa dư địa tín dụng. Trong số này có Techcombank (3,6%); VPBank (7,8%), Vietinbank (7,6%), và BIDV (6,9%), SHB (5,1%) hay Eximbank (2%) . Có được điều này là do các ngân hàng đã chủ động cân đối tăng trưởng tín dụng, dành sức cho thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tín dụng tăng cao trong mùa kinh doanh của khách hàng, nhất là doanh nghiệp.

Techcombank đang là ngân hàng có dư nợ tín dụng tăng thấp trong 6 tháng đầu năm, song vẫn báo lãi kỷ lục với gần 5.200 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2017. Thu nhập lãi thuần của Techcombank hai quý đầu năm đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; lãi ròng từ tài sản tài chính tăng 58%, đạt 940 tỷ đồng; thu nhập khác đạt 1.488 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập từ hoạt động đạt 8.659 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Tương tự, với Eximbank, tuy dư nợ tín dụng chỉ tăng 2% sau khi kết thúc nửa đầu năm, nhưng báo cáo tài chính đã soát xét riêng cho thấy, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 398 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái và chủ yếu là do thu nhập từ lãi thuần tăng. Điều này cũng do Eximbank đẩy mạnh cho vay khách hàng, dư nợ cho vay bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 14,39% so với cùng kỳ 2017. Cùng với đó, chênh lệch lãi suất (NIM) của Eximbank được cải thiện so cùng kỳ.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tính đến ngày 30/8, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 8,5%, mới được 50% so với chỉ tiêu 17% cho cả năm. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, với tính toán hiện nay, 17% có thể là chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như đảm bảo kiểm soát lạm phát. NHNN cũng không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.

Tăng tốc cuối năm

Hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Nam A Bank dành 2.500 tỷ đồng vốn ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu, ưu đãi lãi vay chỉ từ 6,88%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng. Doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tại ngân hàng này sẽ được hỗ trợ đa dạng các nghiệp vụ tài chính  khác như chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất, tài trợ nhập khẩu, UPAS L/C, mua bán ngoại tệ, dịch vụ thanh toán quốc tế, đồng thời có thêm chương trình khuyến mãi tăng giá trị.

Tính đến ngày 30/8, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 8,5%, mới được 50% so với chỉ tiêu 17% cho cả năm.

Hướng trọng tâm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Bản Việt dành 1.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho khối này với lãi suất cho vay từ 8,5%/năm.

Ở góc khác, Sacombank đẩy mạnh cho vay thấu chi tiêu dùng, hạn mức tối đa bằng 4 lần thu nhập (lên đến 150 triệu đồng), với thời hạn 1 năm.

Tại ACB lại đang tập trung tái cơ cấu danh mục theo hướng ưu tiên các khoản vay có lãi suất tốt, thay vì đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2018 với kỳ vọng NIM trong nửa cuối năm sẽ duy trì ở mức hiện tại. Theo đánh giá của VDSC, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của ACB có thể đạt khoảng 6.091 tỷ đồng, cao hơn 7% so với kế hoạch năm.

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng tăng trưởng vừa phải, phù hợp với chỉ tiêu đặt ra và hạn mức được giao, nhưng cũng có không ít ngân hàng đẩy tín dụng lên rất cao, lên trên 10%. Thậm chí, có trường hợp chạm trần, dẫn đến room tăng trưởng còn dư cho 6 tháng cuối năm khá hạn hẹp.

Trước thực tế này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, mức độ ảnh hưởng khi room tín dụng bị hạn chế và phương án giải quyết sẽ khác nhau theo tình hình của từng ngân hàng.

Qua 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã hoàn thành trên 50% chỉ tiêu lợi nhuận của năm như ACB, MBB, VCB, OCB, Techcombank. Thậm chí một số còn vượt hơn 50% như Vietcombank, HDBank.

Tin liên quan
Tin khác