Thị trường fintech tiềm năng
Báo cáo Digital Marketing năm 2019 của WeareSocial và Hootsuite cho biết, Việt Nam với gần 97 triệu dân trong đó, 66% người dân dùng internet, 64% dùng mạng xã hội, 60% dùng điện thoại thông minh.
Tỷ lệ người dân dùng mạng xã hội vượt trội để xem các tin tức và trao đổi như Facebook (chiếm 95%), Youtube tới 94%,…Và người Việt dùng hơn 6 giờ mỗi ngày để truy cập internet.
Giá trị thị trường fintech Việt Nam năm 2017 khoảng 4.4 tỷ USD và dự kiến tăng 77%, ước khoảng 7.8 tỷ USD vào năm 2020.
Từ 120 công ty vào năm 2018 và tăng lên 154 công ty fintech tính đến tháng 06/2019, với tổng số vốn gọi đầu tư tại thị trường nội địa là 117 triệu USD (trong đó, lĩnh vực thương mại điện tử là 104 triệu USD).
31% dân số Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng (Theo LienVietPostBank, ảnh: Đức Thanh). |
Dù hệ sinh thái fintech Việt Nam phát triển mạnh nhưng còn non trẻ. Chỉ 31% dân số sở hữu tài khoản ngân hàng, giao dịch không dùng tiền mặt tính theo đầu người là 5,9%, trong khi Thái Lan gần 60%, Malaysia 89%,...
Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển hệ sinh thái fintech được cho là cơ sở pháp lý được xây dựng nhanh, sát với thực tiễn. Tuy nhiên Việt Nam đang tiếp cận chậm so với sự phát triển của thị trường về xây dựng hành lang pháp lý phù hợp.
Trong 6 rủi ro quá trình triển khai ngân hàng số như chiến lược, tài chính, công nghệ, gian lận, hoạt động và pháp lý thì pháp lý được xem là rủi ro lớn nhất. Theo lời ông ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Liên Việt (LienVietPostBank), các cơ quan nhà nước cần tạo khung để doanh nghiệp thử nghiệm cái mới, từ sandbox đến các luật định,…
“Cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của doanh nghiệp và người dân nhằm phát triển nền kinh tế số cũng như sớm ban hành văn bản pháp lý, cho phép cơ chế thử nghiệm sandbox. Hãy cho chúng tôi một cơ chế để xây dựng mạng lưới hỗ trợ dịch vụ ngân hàng mọi lúc mọi nơi”, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.
Khung pháp lý cần xuất phát từ vướng mắc của doanh nghiệp
Chính quyền TP.HCM đang rất quyết tâm xây dựng trung tâm tài chính như kỳ vọng. Từng phong trong xây dựng công viên phần mềm, khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM cho rằng, Thành phố đã thực hiện các việc chưa từng có tiền lệ.
"Thành phố đi trước và sau đó Luật, chính sách đi theo sau. Fintech là cấu thành quan trọng của trung tâm tài chính và với fintech, các doanh nghiệp đừng mãi chờ chính sách, cứ len lỏi mà làm”, ông Lâm Nguyễn Hải Long chia sẻ.
Trong quá trình chuyển đổi số của một quốc gia, Chủ tịch Liên Việt đánh giá hệ thống định chế tài chính ngân hàng cần đi trước một bước, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự chuyển đổi số trong nền kinh tế, theo mô hình ngân hàng số hoặc ngân hàng chuyển đổi số- số hoá toàn bộ hệ thống dịch vụ, quản trị trong ngân hàng.
Đại diện này cũng cho rằng, cần thay đổi nhận thức của những người làm chính sách, và lãnh đạo các ngân hàng rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nên phải giữ tâm thế chủ động.
“Các doanh nghiệp fintech, ngân hàng có thể chủ động xây dựng sản phẩm dù cơ chế chưa cho phép nhưng cứ xây, cứ thử nghiệm đến khi có thành quả để chứng minh với Nhà nước về sản phẩm để tác động lên chính sách nhanh hơn. Đó là yêu cầu chủ động tích cực của công ty fintech và ngân hàng để tác động thúc đẩy Nhà nước ban hành chính sách phù hợp, đừng chờ đợi”, Chủ tịch Liên Việt khuyến khích.
Đại diện Viện Chiến lược ngân hàng, ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng cho rằng, việc đầu tiên trong của các nhà hoạch định chính sách cần thay đổi phương thức tiếp cận.
Cùng với đó, khi xây dựng hành lang pháp lý cần xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực fintech đừng mải mê quá say sưa kinh doanh, mà hãy để ý hành lang pháp lý- điều đảm bảo an toàn của doanh nghiệp như bỏ công sức đóng góp, phản biện hành lang pháp lý. Tôi rất mong muốn nhận được tất cả các ý kiến phê bình cũng như đóng góp để hoàn thiện Nghị định Sandbox”, ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nói.