Sức khỏe doanh nghiệp
Cân sức khỏe tài chính của Minh Phú trước những đại dự án ngàn tỷ
Chí Tín - 19/03/2021 17:23
Thực tế sức mạnh tài chính của đại gia thủy sản Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC, sàn HoSE) ra sao để thực thi các tham vọng đầu tư lớn giai đoạn tới?

Tham vọng đầu tư lớn

Dự án mới của Thủy sản Minh Phú là Nhà máy Chế biến thủy sản Minh Phát, đặt tại Khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau), có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Công ty đặt ra mục tiêu với lộ trình khá khẩn trương, khi dự kiến khởi công dự án ngay trong tháng 5/2021 và đưa vào hoạt động chỉ sau đó 1 năm (tháng 5/2022).

Ngoài dự án nêu trên, trong các kế hoạch đầu tư sắp tới, Thủy sản Minh Phú cũng chứng tỏ những tham vọng không hề nhỏ. Một trong những động thái gần đây là việc Công ty mới có chủ trương tăng vốn cho Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang. Theo đó, Minh Phú sẽ góp thêm 380 tỷ đồng để nâng tỷ lệ vốn góp tại công ty này lên 99,83% và vốn điều lệ sau khi góp thêm là 820 tỷ đồng.

Không chỉ đầu tư rót vốn trực tiếp vào Minh Phú Kiên Giang, Thủy sản Minh Phú còn khá quan tâm đến công ty con này, trong đó có việc cho công ty này vay tiền với lãi suất hấp dẫn chỉ 5%/năm. Tổng số tiền mà Minh Phú cho Minh Phú Kiên Giang vay là 100 tỷ đồng, với mục đích bổ sung nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp này.

Với những động thái trên, giai đoạn tới có thể sẽ hứa hẹn một bầu không khí tăng tốc đầu tư của Minh Phú. Trước đó, trong 2 năm 2019 và 2020, hoạt động đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác không thực sự sôi động cho lắm. Cụ thể, dòng tiền chi cho đầu tư góp vốn vào đơn vị khác trong năm 2019 của Thủy sản Minh Phú chỉ vào khoảng 63 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 70 tỷ đồng.

 Sức mạnh tài chính từ đâu?

Những động thái đầu tư có thể mở ra cho doanh nghiệp triển vọng tăng tốc phát triển, nhưng câu hỏi luôn đặt ra trước những tham vọng lớn là năng lực của doanh nghiệp đến đâu, trong đó năng lực tài chính là một yếu tố rất quan trọng.

Thực tế nhìn vào diễn biến dòng tiền của Minh Phú thì cũng có thể thấy doanh nghiệp này đã có dòng tiền khá mạnh từ năm 2019. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 của Minh Phú đạt mức dương tới 2.274 tỷ đồng.

Với dòng tiền khá mạnh, Công ty đã chi tới 692,3 tỷ đồng trả cổ tức năm 2019 và chi 710,8 tỷ đồng trả cổ tức năm 2020. Thậm chí doanh nghiệp thủy sản này có thể trả được cổ tức cao hơn nữa, nhưng theo chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020 của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị thời điểm đó (nay là Tổng giám đốc Công ty) thì cổ đông Nhật Bản không muốn doanh nghiệp chi trả cổ tức quá cao. Cổ đông ngoại khi đó cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 thì không nên chia cổ tức quá cao.

Chủ trương dự phòng dòng tiền của Minh Phú khiến cho doanh nghiệp này đã tích trữ được nguồn lực tài chính khá mạnh cho đến cuối năm 2020. Số dư tiền mặt (và các khoản tương đương tiền) tại thời điểm cuối năm 2020 lên tới 1.110 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn có thêm 1.145 tỷ đồng nằm ở các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Dòng tiền của doanh nghiệp này duy trì được ở mức cao một phần do Công ty tiếp tục có dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh dương 467 tỷ đồng trong năm 2020. Ngoài ra, Minh Phú cũng đã có động thái thu hồi một phần các khoản đầu tư tại các công cụ nợ của đơn vị khác, số dư dòng tiền thuần đối với khoản này ghi nhận dương tới 2.273 tỷ đồng trong năm 2020.

Với quy mô dòng tiền hiện có, Minh Phú cho thấy đủ nguồn lực tài chính để triển khai các dự án sắp tới mà không phải chịu áp lực quá lớn về vốn. Tuy nhiên, dòng tiền khi rót vào các dự án mới đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ mất đi nguồn thu nhập từ hoạt động tài chính. Riêng trong năm 2020, doanh thu hoạt động tài chính mà Minh Phú được hưởng lên tới 203 tỷ đồng. Trong khi đó, các dự án mới đầu tư đạt hiệu quả đến đâu vẫn phải chờ câu trả lời của tương lai.

Tin liên quan
Tin khác