Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) tham gia thảo luận. |
Tiếp tục kỳ họp thứ hai, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá và Thừa Thiên Huế.
Đầu giờ sáng đã có 33 vị đại biểu tại đầu cầu Nhà Quốc hội và nhiều tỉnh, thành đăng ký phát biểu.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết tại phiên thảo luận tổ ngày 22/10 đã có 269 lượt ý kiến tại 72 tổ thảo luận đóng góp cho dự thảo.
Để phục vụ phiên thảo luận này, ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã gửi Quốc hội báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ.
Đầu phiên thảo luận trực tuyến, dù còn có những băn khoăn về một số cơ chế chính sách cụ thể, song đa số ý kiến đại biểu đều tán thành với đề xuất của Chính phủ, tạo điều kiện để bốn tỉnh thành phát huy tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ hơn.
Dự thảo nghị quyết đã đủ cơ sở chính trị và pháp lý để trình Quốc hội xem xét thông qua, đã thể hiên tinh thần phân cấp phân quyền, tạo nguồn lực để các địa phương phát triển đột phá, đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) phát biểu.
Cũng bày tỏ sự thống nhất cao, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) khẳng định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho bốn tỉnh, thành lần này là hướng đi đúng và phủ hợp với quan điểm bền vững.
Chia sẻ với băn khoăn của một số đại biểu về "tấm chăn" ngân sách đang rất hạn hẹp, kéo bên này thì hở bên kia, đại biểu Hoa cho rằng đó cũng là lý do cần có cơ chế đủ mạnh để các tỉnh thành thoát khỏi tấm chăn đó. Các cơ chế, chính sách cho bốn tỉnh đã đảm bảo được tính đặc thù, đây sẽ là cơ hội cho các địa phương đột phá và tạo sự lan toả trong khu vực, bà Hoa nhấn mạnh.
Bên cạnh nhiều ý kiến nhất trí cần thiết ban hành nghị quyết, một số vị đại biểu chưa đồng ý, hoặc còn rất băn khoăn.
Phát biểu đầu tiên, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, cần cân nhắc việc ban hành tại thời điểm này, bởi dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến các đô thị lớn, tác động không nhỏ đến ngân sách.
Đất nước đã dành ngân sách khổng lồ cho chống dịch và tới đây vẫn cần dự liệu ngân sách lớn để chống dịch, ngân sách Trung ương rất quan trọng, nên xây dựng cơ chế đặc thù lúc này chưa phù hợp, nên lùi thời điểm thông qua để tập trung nguồn lực cho phục hồi kinh tế, bà Dung phát biểu
Đại biểu Cầm Hà Trung (Phú Thọ) cho rằng, đất nước thống nhất thì hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phải thống nhất, mặc dù mỗi địa phương có điều kiện, tiềm năng khác nhau nhưng có mối quan hệ tương hỗ trong quá trình phát triển. Thực tế hiện nay, nhiều địa phương mong muốn cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương có nghị quyết của trung ương, nằm trong vùng trọng điểm, cơ chế an ninh quốc phong như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam.
"Việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo của các địa phương chưa được hoặc không được cơ chế đặc thù khi cử tri và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ cho rằng đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo địa phương có yếu kém không, tại sao không xin được cơ chế cho địa phương, dễ gây hiểu lầm giữa cử tri và nhân dân vì sao địa phương kia có nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này thí điểm, vì sao địa phương kia có chính sách riêng trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân, cán bộ là như nhau".
“Có đặc quyền đặc lợi ở đây không, có con đẻ con nuôi không, có không công bằng không”, đại biểu nêu vấn đề và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải trình rõ ràng, minh bạch, tạo thống nhất, đồng thuận với nhân dân.
Ông Trung cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần xác định những nội dung chưa có trong luật điều chỉnh, khác với quy định của luật hiện hành, đang là những yếu tố cản trở, điểm nghẽn hoặc những nội dung có lợi cho sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, các địa phương, vùng miền.
Xác định quan điểm, tiêu chí, theo đại biểu là để tránh cơ chế xin cho, quyết định cảm tính, xác định mục tiêu thứ tự ưu tiên để Quốc hội xem xét lựa chọn thực hiện thí điểm, xem xét lựa chọn một số địa phương địa diện vùng miền đáp ứng tiêu chí, thứ tự ưu tiên kết hợp với các địa phương được Quốc hội xem xét lần này để thực hiện thí điểm trên cơ sở đó tổng kết, hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.
Liên quan đến vấn đề này, tại báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số địa phương khác để thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Bên cạnh sự cần thiết, để có thêm cơ sở cho đại biểu quyết định, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm một số vấn đề như cơ chế tài chính cho các tỉnh, thành làm giảm nguồn thu ngân sách Trung ương hay không. Hay, nâng mức nợ vay có nâng mức nợ vay của quốc gia hay không.
Băn khoăn của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) là các cơ chế chính sách đặc thù cho 4 địa phương nằm ở đâu trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế sẽ được Quốc hội thảo luận vào cuối tuần này, đã tính đến sự liên kết với các địa phương khác trong khu vực hay chưa?
Ông Nhân cũng dẫn hạn chế từ việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng.
Để tránh lặp lại những hạn chế của các nơi đang thực hiện cơ chế đặc thù, đại biểu Nhân cho rằng cần có chương trình đề án cụ thể để thực hiện và có cam kết về hiệu quả của các đề án.
Một vấn đề nữa theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cần quan tâm, đó là phí và lệ phí.
Theo đề xuất của Chính phủ, HĐND thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí trừ án phí, lệ phí Tòa án.
Cần bổ sung nguyên tắc tỷ lệ phần trăm theo quy định hiện hành, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương góp ý.
Một số vị đại biểu khác cho rằng nên áp dụng chung cho các tỉnh thành cơ chế phân cấp về quản lý , sử dụng đất đai như bốn tình thành nói trên.
Cuối phiên thảo luận, Bô trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Nguyễn Chí Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm.