Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trong phiên họp sáng 21/10. |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, sau khi Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình của Chính phủ, trong phiên họp sáng 21/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV.
Điểm đầu tiên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhắc tới là đề nghị chỉnh sửa tên Nghị quyết là: “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô".
Chỉ thí điểm đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số xe ô tô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số xe mô tô, xe gắn máy.
Tuy vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc chỉ thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen như Tờ trình của Chính phủ.
Có lý do là loại hình xe hoạt động kinh doanh vận tải thì nhu cầu của người dân muốn được cấp “biển số đẹp”, biển số theo sở thích là rất ít; còn đối với mô tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu mở rộng để thí điểm thì số lượng mô tô, xe gắn máy trong toàn quốc là rất lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.
Thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng
Về giá khởi điểm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 (40 triệu đồng) và Vùng 2 (20 triệu đồng) không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa các vùng.
Trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định của dự thảo Nghị quyết là “tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá” nhằm bảo đảm cho việc thu tiền trúng đấu giá. Còn người đấu giá không trúng thì được hoàn trả tiền đặt trước.
Tuy nhiên, đây cũng là quy định khác với quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016, nên cần phải trình Quốc hội cho thực hiện thí điểm, Nếu theo quy định Luật đấu giá tài sản năm 2016, thì mức đặt trước chỉ là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá.
Hạn chế quyền sở hữu đối với biển số ô tô trúng đấu giá
Về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế, ông Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc hạn chế quyền sở hữu đối với biển số ô tô trúng đấu giá trong việc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế như dự thảo Nghị quyết là chưa phù hợp.
Tuy nhiên, đa số Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định của dự thảo Nghị quyết về các quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, vì cho rằng, đây là nội dung thí điểm, biển số xe ô tô trúng đấu giá vừa là tài sản cá nhân, vừa là công cụ quản lý nhà nước, nên cần thiết phải hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá vì lý do quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
Thời gian thí điểm cũng được đồng thuận là 3 năm là phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định thời gian thí điểm là 2 năm để kịp thời luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Quyền của người trúng đấu giá
Được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá;
Được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan Công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở;
Được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình;
Khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe;
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định (không được tính lãi suất). Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này.
Nghĩa vụ của người trúng đấu giá
Nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá;
Thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá. Quá thời hạn nêu trên mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số đó gắn với xe thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá;
Không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe).
Quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe:
Được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe theo quy định;
Không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác;
Không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.