Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc đấu giá nhằm khai thác kho số và đáp ứng một phần nguyện vọng chính đáng của người dân, chứ không phải mục tiêu duy nhất là thu tiền. Do đó Chính phủ nên nghiên cứu một mức giá khởi điểm phù hợp, không cao quá để tạo sự hấp dẫn.
Chiều 11/10, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Theo dự thảo, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký, nhưng được dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm (tuỳ thuộc vào đặc điểm tình hình của mỗi địa phương để địa phương quy định thời gian đấu giá).
Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.
Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá được xác định là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, với vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM), mức khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 (các địa phương còn lại) có mức 20 triệu đồng.
Trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia cuộc đấu giá, một người trả giá, chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển sổ được bán cho người đó.
Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân.
Ngoài ra, việc này còn bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận xã hội cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, có nhiều điểm khác với quy định của một số luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định.
Thường trực Uỷ ban nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy vì nếu mở rộng thì số lượng trong toàn quốc là quá lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.
Cơ quan thẩm tra cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 và Vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa Vùng 1 và Vùng 2. Trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ (40 triệu, 20 triệu), Thường trực cơ quan thẩm tra đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Tham gia thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhìn nhận việc đấu giá sẽ tăng tính minh bạch, công khai, góp phần thu ngân sách Nhà nước, và sẽ thành công
Nhưng ông Cường đề xuất mở rộng ra cả với biến nền vàng (xe ô tô) và biển xe mô tô.
“Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, người có xe mô tô hạng sang sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để đấu giá biển số mà họ cho là đẹp, qua đó tăng thu ngân sách. Chúng ta nên cho thí điểm luôn” , ông Cường nói.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô cần được ngân cứu mở rộng hơn, như liên quan đến thừa kế, cho tặng, được gắn vào xe mới (như khi xe cũ hỏng), vì nếu được như vậy thì người tham gia đấu giá mới sẵn sàng trả mức giá cao.
“Giới hạn quyền thì họ nghĩ đấu giá xong rồi sau này không được sử dụng gì nhiều thì chỉ trả mức giá nhất định. Quyền nhiều thì giá trúng thậm chí lên tới tiền tỷ mỗi biển số, còn hạn chế quyền thì có khi chỉ 200 đến 400 triệu thôi. Nên cân nhắc để thí điểm”, Tổng thư ký Quốc hội nêu quan điểm.
Ở góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, vấn đề không hẳn là thu được nhiều tiền hay ít tiền vì việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô còn phục vụ quản lý nhà nước với phương tiện. Hơn nữa, đây là hình thức mới, thí điểm thì việc giới hạn quyền của người trúng đấu giá ở mức độ nào đó là phù hợp. Bởi hiện cũng chưa hình dung được hết hệ quả pháp lý trong quá trình thí điểm nên cần thận trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn về phương thức khi “bất kỳ người nào, ở đâu, đều có thể đấu giá, đăng ký biển số mình thích”, trong khi phương thức truyền thống là người thường trú ở đâu thì đăng ký ở đó. Ông Tùng đề nghị làm rõ tại sao áp dụng phương thức này và tại sao chỉ áp dụng với biển được đấu giá và việc thực hiện có ảnh hưởng gì đến quản lý sau này.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã có sự chuẩn bị từ lâu, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và hồ sơ đủ điều kiện trình ra Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng thí điểm thì nên chọn biển số nền trắng chữ đen với xe ô tô là phù hợp.
Lưu ý về giá khởi điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu một mức giá để áp dụng toàn quốc khi đấu giá trực tuyến và mức giá này không nên quá cao để thu hút đông người tham gia .
“Việc đấu giá nhằm khai thác kho số và đáp ứng một phần nguyện vọng chính đáng của người dân, chứ không phải mục tiêu duy nhất là thu tiền. Do đó Chính phủ nên nghiên cứu một mức giá khởi điểm phù hợp, không cao quá để tạo sự hấp dẫn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm và lưu ý dự thảo Nghị quyết chỉ nên thể hiện các nguyên tắc lớn, còn lại giao Chính phủ quy định và thực hiện.
Thứ tưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Chính phủ, thiết kế, hoàn thiện dự thảo. Thứ trưởng cũng đồng tình là cần cần xác định một mức giá khởi điểm chung phù hợp để áp dụng trong cả nước.
Nên áp dụng 1 mức thống nhất, cao hay thấp là do Chính phủ trình nhưng không nên cao quá để có độ hấp dẫn, nhiều người tham gia, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gút lại.
Nếu được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại một kỳ họp, Nghị quyết sẽ được thực hiện thí điểm trong thời gian 3 năm.