Theo kế hoạch, TP. Cần Thơ phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
TP. Cần Thơ ra mắt Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh. Ảnh: Anh Khoa |
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, bao gồm:
Về hoàn thiện chính quyền điện tử và phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…
Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh: kinh tế số chiếm 20% GRDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Về phát triển xã hội số: hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR; mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân…
Mục tiêu đến 2030, Cần Thơ phấn đấu đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước… Kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%. Về phát triển xã hội số, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng, cáp quang trên địa bàn thành phố; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%...
TP. Cần Thơ giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối phối hợp với các sở, ban ngành thành phố, quận, huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, địa phương; đồng thời, phối hợp, tham gia ý kiến đối với các chương trình, dự án của Đề án.