TP. Cần Thơ tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương |
Tín hiệu tích cực
Sau khi tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tháng 12/2023) đến nay, đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến địa phương khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư các lĩnh vực trong định hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của Thành phố theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.
Mới đây, ngày 10/6/2024, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ tiếp lãnh đạo Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, để nghe báo cáo đề xuất các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Tại buổi làm việc, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đề xuất đầu tư thực hiện 4 dự án trên địa bàn Cần Thơ, gồm: Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Ô Môn, Dự án Khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai, Dự án Khu đô thị Ô Môn và Dự án Khu đô thị Đông Hiệp.
Trong đó, Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Ô Môn có diện tích 250 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng và công trình là 4.200 tỷ đồng, dự kiến tổng mức thu hút đầu tư 2,5 tỷ USD. Các ngành sản xuất công nghệ cao gồm: điện tử, chip bán dẫn, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ sinh học, y tế, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ nano.
Dự án Khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai có quy mô khoảng 1.070 ha; trong đó, bao gồm khu đô thị, dịch vụ và thể thao khoảng 300 ha. Đây là khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, ưu tiên các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm tài nguyên. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng và công trình là khoảng 12.800 tỷ đồng, tổng mức thu hút đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.
Dự án Khu đô thị thông minh Ô Môn có quy mô 100 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.492 tỷ đồng và Dự án khu đô thị mới và sân golf Cờ Đỏ - Thới Lai có quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.558 tỷ đồng.
Cũng trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đề xuất thực hiện Dự án Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP, có quy mô khoảng 600 ha, thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn II). Đây là một trong 7 dự án khu công nghiệp thành lập mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, thời gian qua, TP. Cần Thơ cũng thu hút sự quan tâm hợp tác đầu tư của các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến... Cụ thể, Tập đoàn Vận tải biển MSC Việt Nam (Thụy Sỹ) quan tâm dự án bến cảng, trung tâm logistics và kho bãi có quy mô 155 ha, được quy hoạch xây dựng tại quận Thốt Nốt. Đại diện Tập đoàn MSC cho biết, sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu dự án để chuẩn bị các bước tiếp theo.
Trong lĩnh vực chế biến lương thực, vào đầu tháng 4/2024, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển có buổi tiếp và làm việc với ông Paul Serra, Giám đốc điều hành Tập đoàn SunRice (Australia) đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư về lúa gạo tại TP. Cần Thơ. Đánh giá cao tiềm năng về sản xuất lúa gạo tại Việt Nam nói chung, trong đó có Cần Thơ, lãnh đạo Tập đoàn SunRice mong muốn đầu tư tại Thành phố, nhằm góp phần đưa sản phẩm gạo của Việt Nam đến các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu…
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA), từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Thành phố đã tiếp, làm việc với nhiều đối tác đến tìm hiểu môi trường đầu tư, cũng như trao đổi về các cơ hội hợp tác với Thành phố trong thời gian tới, như: Đoàn công tác TP. Fukuoka (Nhật Bản); Đoàn công tác bang Sachsen - Anhalt (Đức); Đoàn công tác tỉnh Jeollanam (Hàn Quốc), Đoàn Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Kyushu và doanh nghiệp Nhật Bản; Công ty TNHH Thực phẩm Takesho Việt Nam, Công ty Kobelco Eco - Solutions Việt Nam; Đoàn lãnh đạo các ngân hàng tại Nhật Bản (Ngân hàng Gunma và Ngân hàng Daishi Hokuetsu)…
Ngoài việc tiếp đón nhà đầu tư, Cần Thơ cũng tăng cường tổ chức các đoàn xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại tại các thị trường tiềm năng nước ngoài. Vào đầu tháng 6/2024, Đoàn công tác TP. Cần Thơ do ông Phạm Văn Hiểu, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương tại Vương quốc Anh và Thụy Sỹ, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Thành phố tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, tăng cường kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thủy sản, nông sản chế biến… Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu mô hình phát triển du lịch xanh, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu với các đối tác tại Anh và Thụy Sỹ. Đoàn cũng làm việc với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam tại Anh và Thụy Sỹ để tìm hiểu thông tin về đầu tư và kinh doanh, tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ.
Tại thị trường Trung Quốc, đầu tháng 5/2024, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ dẫn đầu Đoàn công tác đi thăm và làm việc tại TP. Sán Đầu (tỉnh Quảng Đông) nhằm tăng cường trao đổi, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai địa phương. Tại đây, Đoàn công tác tham quan Khu thương mại tự do tích hợp Sán Đầu; Khu công nghiệp điện gió ngoài khơi “Tứ nhất thể hóa”; Tập đoàn điện tử Thượng Hải, Chi nhánh Quảng Đông; gặp gỡ chào xã giao lãnh đạo TP. Sán Đầu... Đặc biệt, tham dự Diễn đàn Hợp tác và Giao lưu hữu nghị Trung Quốc (Sán Đầu) - Việt Nam (Cần Thơ).
Phát huy công tác xúc tiến tại chỗ, CPA thiết lập các kênh xúc tiến đầu tư hiệu quả với các tổ chức ngành nghề, cơ quan xúc tiến đầu tư của các nước. Qua đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng của địa phương đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiểu thông tin và quyết định đầu tư tại Cần Thơ.
Kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường
Trong thời gian qua, TP. Cần Thơ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc triển khai các chương trình, dự án thiết thực như: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm…
Công tác xúc tiến thương mại được Thành phố quan tâm triển khai đa dạng, linh hoạt, hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp, ngành hàng trong việc kết nối cung cầu thị trường nội địa; phát huy những thị trường hiện có; khai thác, mở rộng tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới.
Cụ thể, CPA phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự TP. Cần Thơ và UBND huyện Phong Điền, tổ chức phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” trong khuôn khổ Tết quân dân, diễn ra vào tháng 1/2024 tại huyện Phong Điền với quy mô 30 gian hàng của 16 doanh nghiệp tham gia, gồm đa dạng ngành hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng.
Phối hợp với UBND quận Ô Môn tổ chức phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” trong khuôn khổ các hoạt động mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024, diễn ra vào tháng 4/2024 tại quận Ô Môn. Phiên chợ có 11 doanh nghiệp tham gia với 17 gian hàng trưng bày sản phẩm.
Phối hợp với Vincom Plaza Hùng Vương và Vincom Plaza Xuân Khánh tổ chức Chương trình “Tôn vinh sản phẩm Việt” từ ngày 29 - 31/3/2024, trong đó có 11 doanh nghiệp của Thành phố tham gia, giới thiệu sản phẩm tại sự kiện.
Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, CPA hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Thành phố tại các hội chợ ở những vùng miền trong cả nước như: Hội chợ Công thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024 (từ ngày 15 - 19/5/2024); Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2024 (từ ngày 27/5 - 2/6/2024); Hội chợ Xúc tiến thương mại, du lịch, ẩm thực - Đà Lạt 2024 (từ ngày 14 - 23/6/2024)…
Ðối với xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, CPA sẽ phối hợp với Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước và các cơ quan của nước sở tại nhằm hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến với người tiêu dùng nước ngoài. Ðồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp qua các khóa tập huấn, đào tạo…
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nêu trên, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, góp phần tích cực vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong những tháng đầu năm nay.