Đầu tư
Cần Thơ chú trọng phát triển các khu công nghiệp
Trúc Giang - 30/01/2022 15:06
Để thu hút đầu tư vào địa phương, Cần Thơ chú trọng phát triển các khu công nghiệp (KCN). KCN Vĩnh Thạnh và KCN Ô Môn - Cần Thơ được xem là điểm nhấn trong thu hút đầu tư.
KCN Trà Nóc (TP. Cần Thơ) thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Duy trì sản xuất ổn định

Trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện có 8 KCN tập trung. Tính đến nay, các KCN có 252 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 1,779 tỷ USD, vốn thực hiện 1,158 tỷ USD. Trong đó, 225 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1,370 tỷ USD; 26 dự án FDI tổng vốn đăng ký 378,84 triệu USD và một dự án ODA có vốn đầu tư 21,13 triệu USD.

Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây rất nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN của Cần Thơ. Nhờ sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất tương đối ổn định. 

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN của Cần Thơ là 2.044,86 triệu USD, tăng 9,6% so với năm 2020. Trong đó, sản xuất công nghiệp đạt gần 1.481 triệu USD, dịch vụ - thương mại đạt 654,06 triệu USD, xuất khẩu đạt 554,07 triệu USD. Năm 2021, các doanh nghiệp trong các KCN Cần Thơ thực hiện các nghĩa vụ thuế ước khoảng 1.800 tỷ đồng.

Tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư

Những ngày đầu năm 2022, TP. Cần Thơ đón nhận tin vui khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó tạo cơ chế thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hàng loạt công trình trọng điểm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giúp kết nối thuận tiện, thông suốt giữa Cần Thơ với TP.HCM và các địa phương trong cả nước sắp hoàn thành như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và chuẩn bị đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... Các công trình đã góp phần tăng thêm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư , kinh doanh của Thành phố.

Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Cần Thơ, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN. Ngày 13/10/2021, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Công văn số 4920/UBND-KT về việc lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án KCN VSIP Cần Thơ tại huyện Vĩnh Thạnh. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần GL GROUP đã khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư KCN tại quận Ô Môn và quận Cái Răng...

Để dự án được triển khai nhanh chóng, thuận lợi, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã phối hợp các sở, ngành và địa phương hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục để lập hồ sơ đề xuất Dự án KCN VSIP Cần Thơ, trên diện tích khoảng 296 ha (trong phạm vi 900 ha quy hoạch KCN Vĩnh Thạnh). Đồng thời, Ban Quản lý cũng tham mưu thủ tục thành lập KCN Vĩnh Thạnh (quy mô 900 ha) và KCN Ô Môn - Cần Thơ (quy mô 500 ha). Hai dự án KCN này được xem là điểm nhấn trong thu hút đầu tư vào Thành phố trong thời gian tới.

KCN Vĩnh Thạnh có vị trí quy hoạch tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh; KCN Ô Môn - Cần Thơ vị trí quy hoạch tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN tại Văn bản số 156/TTg-CN, ngày 4/2/2021 về Đề án bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Vị trí quy hoạch KCN Vĩnh Thạnh và KCN Ô Môn - Cần Thơ có điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ, có khả năng liên kết với vùng lân cận của các tỉnh giáp ranh nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của khu vực. Cụ thể, KCN Vĩnh Thạnh có vị trí quy hoạch nằm gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang và TP.HCM, dọc theo vị trí quy hoạch dự án cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang. KCN Ô Môn - Cần Thơ nằm cạnh tuyến Đường tỉnh 922 mới và Dự án cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang.

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, khu vực quy hoạch 2 KCN này chủ yếu là đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ có chi phí thấp, nên việc triển khai sẽ thuận lợi, nhanh chóng.

Tin liên quan
Tin khác