Tại cuộc họp cơ quan báo chí quý II/2023 do UBND TP. Cần Thơ tổ chức, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 13 dự án bất động sản chưa định giá đất.
Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Chí Kiên cho biết trên địa bàn thành phố còn 13 dự án bất động sản chưa định giá đất |
Theo ông Kiên, nguyên nhân là theo quy định của pháp luật hiện hành, dự án phải giải phóng xong mặt bằng mới được giao đất. Về định giá đất, áp dụng theo phương pháp thặng dư, mà phương pháp này bắt buộc phải giao đất xong thì mới áp dụng.
Trong khi đó, 13 dự án trên rơi vào trường hợp chưa giải phóng mặt bằng xong, do vậy chưa thể giao đất toàn bộ dự án.
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển chia sẻ, đây cũng là vấn đề thành phố rất sốt ruột. Nhiều dự án 2- 3 năm nay không xác định được giá đất để làm thủ tục nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao giấy cho người dân.
Theo ông Hiển, do quy định hiện nay chỉ áp dụng 1 phương pháp là phương pháp thặng dư, mà phương pháp này xác định giá đất là toàn bộ giả định: giả định dự án này bán trong 3 năm, 4 năm xong; giả định lãi suất ngân hàng…, toàn bộ là giả định nhưng mà thu tiền thật, không ai dám làm. Đồng thời, theo quy định khi nào dự án giải phóng mặt bằng 100% thì mới được quyền thực hiện giao đất, lúc đó mới tính tiền sử dụng đất. Hai điều kiện này rất khó đối với doanh nghiệp.
Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ thông tin, trước hình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 44 và có Thông tư hướng dẫn cho việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất. Khi có nghị định này sẽ tháo gỡ tất cả khó khăn trong thực tế hiện nay đặt ra.
Trước đó, tại Công văn số 1305/SKHĐT-KT, ngày 29/5/2023 gửi UBND TP. Cần Thơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ đã nêu ra 5 khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố.
Một là, do thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là thực hiện quy định giãn cách xã hội, đa số các dự án chậm tiến độ, việc triển khai dự án bị đình trệ trong thời gian dài.
Hai là, nhìn chung các dự án gặp khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do việc thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn không được sự đồng thuận của người dân, cơ chế chính sách thay đổi, có những trường hợp phải lập lại thủ tục về giải phóng mặt bằng. Thiếu nền tái định cư ở các quận, huyện để bố trí cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án.
Một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng. Trình tự thủ tục quy định nhiều bước như: thành lập hội đồng, đo đạc, kiểm kê, xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường, xét tính pháp lý, áp giá bồi thường, phê duyệt thì mới thu hồi đất được, từ đó dẫn đến diện tích đất thu hồi còn thấp và dự án triển khai chậm.
Thời gian thu hồi đất của một số dự án đầu tư kéo dài so với thời gian quy định tại chủ trương đầu tư, dẫn đến triển khai chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư.
Ba là, công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ do khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời), phương pháp định giá đất còn hạn chế.
Bốn là, do bị ảnh hưởng việc rà soát pháp lý các dự án nên nhiều dự án trong giai đoạn sau Nghị định số 30/2015/NĐ-CP đang chậm tiến độ.
Năm là, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng và huy động vốn dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án).