UBND TP. Cần Thơ có Tờ trình về việc đề xuất Dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ - Dự án 1 (Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ và Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ) tham gia Chương trình Mekong DPO (Dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu), trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Dự án có 2 hợp phần gồm Hợp phần 1 là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn đi qua địa phận TP. Cần Thơ.
Quốc lộ 61C kết nối TP. Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang. |
Phạm vi đầu tư của Hợp phần 1 có điểm đầu Km0+00 - Giao tại ngã tư giữa Quốc lộ 61C và Quốc lộ 1 tại cuối đường dẫn cầu Cần Thơ bờ phía Nam (nút giao IC4), thuộc địa phận phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Điểm cuối: trước cầu Trầu Hôi (Km10 + 200 - Ranh giới giữa TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang). Tổng chiều dài tuyến là 10,2 km. Bao gồm 7 cầu chính trên tuyến và 2 cầu vượt trong nút giao.
Hợp phần 2 là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ.
Phạm vi đầu tư của Hợp phần 2 có điểm đầu giao với Đường tỉnh 920 theo quy hoạch thuộc địa bàn quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Điểm cuối: ranh giới tiếp giáp TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Tổng chiều dài tuyến khoảng 25,5 km. Bao gồm 24 vị trí cầu chính trên tuyến và 4 cầu vượt trong nút giao.
Dự kiến tiến độ thực hiện dự án từ năm 2026-2030. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án là năm 2023-2026; giai đoạn thực hiện dự án là năm 2026-2030. .
Tổng mức đầu tư của Dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ - Dự án 1 dự kiến 8.780,16 tỷ đồng, tương đương 362,05 triệu USD. Trong đó, chi phí xây dựng 5.394,14 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 1.716,52 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.
Dự kiến cơ cấu nguồn vốn gồm vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) 5.733,48 tỷ đồng (tương đương 236,42 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí dự phòng xây dựng, thiết bị (trước thuế).
Vốn đối ứng 3.046,69 tỷ đồng (tương đương 125,63 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các loại thuế, phí; chi phi dự phòng cho các hạng mục trên.