Được biết, năm 1987, đơn vị thi công công trình từ Pháp đã gởi thông báo công trình hết niên hạn sử dụng, các cơ quan chuyên môn ở địa phương cũng xác định công trình xuống cấp không thể trùng tu. Do đó, đứng về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cần Thơ phải lập dự án để xây mới, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Tuy nhiên, trước ý kiến của nhiều cử tri không đồng tình phá dỡ ngôi trường trăm tuổi, ông Dũng cho hay, TP. Cần Thơ đã đưa ra 3 phương án xử lý như sau:
Một là, ngưng triển khai dự án để mời cơ quan chuyên môn ở Trung ương, thậm chí cả đơn vị tư vấn nước ngoài, đơn vị trước đây xây ngôi trường này đến để xem xét, nếu có thể trùng tu được thì sẽ tìm kiếm, giới thiệu đơn vị để thực hiện.
Hai là, ngôi trường này ngoài khu Hiệu bộ còn có 3 dãy phòng học được xây dựng ở 3 thời điểm khác nhau: thời Pháp thuộc, Chính quyền Sài Gòn và sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, cũng có thể dựa vào tuổi thọ công trình để giữ lại một phần và trùng tu hoặc xây mới một phần.
Ba là, nếu các điều kiện không cho phép trùng tư, có thể đập bỏ xây mới toàn bộ.
“Địa phương sẵn sàng lắng nghe nghe ý kiến các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này để quyết định giải pháp xử lý phù hợp nhất. Phá dỡ ngôi trường hàng trăm năm tuổi, di tích hiếm hoi còn sót lại thì không ai muốn, nhưng tính mạng của thầy cô và hàng ngàn học sinh của trường cũng không thể xem nhẹ”, ông Dũng nói.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giải trình các vấn đề tại kỳ họp |
Trường THPT Châu Văn Liêm tọa lạc tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được xây dựng năm 1917 theo kiến trúc Pháp. Tiền thân là trường Collège de Can Tho - một trong những ngôi trường lâu đời nhất tại Việt Nam (cùng thời với Trường THPT Lê Hồng Phong - Trường Pétrus Ký tại TP.HCM).
Giai đoạn 1945 - 1975, trường mang tên Trung học Phan Thanh Giản. Sau ngày đất nước thống nhất, trường có tên Phổ thông cơ sở An Cư I (1975 - 1983); Trường phổ thông cấp 3 thành phố Cần Thơ (1983 - 1985), và từ 11.1985 đến nay mang tên Trường trung học phổ thông Châu Văn Liêm.
Mái trường này từng là nơi hội tụ của nhiều nhà giáo yêu nước, như: Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thượng Tư, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Kiệt... Nhiều thế hệ học sinh của trường đã trở thành nhà khoa học, những chiến sĩ cách mạng, văn nghệ sĩ nổi tiếng, như: Ung Văn Khiêm, Châu Văn Liêm, Lưu Hữu Phước, Lương Định Của,Tô Bửu Giám...
Như trên đã nói, năm 1987, phía Pháp đã có công văn thông báo một số công trình do Pháp xây dựng đến nay không còn niên hạn sử dụng. Đến năm 2010, Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch Xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP Cần Thơ kiểm định, đánh giá công trình đã vượt quá niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn chịu lực. Ngày 15-3-2010, Sở Xây dựng TP Cần Thơ có Công văn số 190/SXD-QLXD, với nội dung: "...Để đảm bảo tính mạng con người và tài sản, Sở Xây dựng yêu cầu cơ quan quản lý Trường THPT Châu Văn Liêm không sử dụng công trình này làm công tác giảng dạy và khẩn trương di dời học sinh đến địa điểm khác, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra...".
Ngày 30-10-2014, UBND TP Cần Thơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trường THPT Châu Văn Liêm tại Quyết định số 3178/QĐ-UBND. Dự án được thống nhất xây đúng theo kiến trúc cũ, đúng vị trí dãy phòng, đúng chiều cao, gồm 1 trệt, 1 lầu, với tổng kinh phí xây dựng 98 tỉ đồng (từ ngân sách thành phố). Việc xây dựng này nhằm mục tiêu tạo nơi học tập đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục cho vùng và TP Cần Thơ.
Dự án này dự kiến mở thầu và khởi công ngay trong tháng 7/2015. Để có mặt bằng giao cho đơn vị thi công, chính quyền địa phương đã tuyên án “tử hình” đập bỏ ngôi trường này vào ngày 20/7 tới đây. Sau khi khởi công thì gần 2.000 học sinh của Trường THPT Châu văn Liêm sẽ phải học nhờ ở Trường THPT An Khánh ở phường An Khánh khoảng 2 năm.
Ngôi trường trường có 3 gói thầu, tổng trị giá gần 50 tỷ đồng vừa được Cty TNHH Xây dựng Ngân Hùng ở Cần Thơ trúng thầu với giả bỏ thầu “sát nút” và đang xây dựng dỡ dang. Điều đáng nói là Công ty TNHH Xây dựng Ngân Hùng đã từng bị Công ty TNHH WQA Việt Nam – Doanh nghiệp quản lý, giám sát việc cấp chứng nhận ISO, có văn bản cho biết sau khi xác minh tại trụ sở chính WQA (Vương quốc Anh) và trên toàn thế giới xác định chứng chỉ ISO 9001:2008 có số hiệu QS6727 cấp ngày 24/12/2011 do WQA Khu vực Đông Nam Á phát hành, xác nhận: Bản dịch cấp cho Công ty Ngân Hùng là giả mạo. Vụ việc lùm xùm dùng chứng chỉ ISO giả này cũng đã được nhiều báo đăng tải nhưng cơ quan chức năng tại TP.Cần Thơ vẫn để cho doanh nghiệp này tham gia đấu thầu và trúng thầu một cách ngoạn mục.
Dự án xây lại Trường THPT Châu Văn Liêm trị giá gần 100 tỷ đồng. Hiện nay, chưa mở thầu nhưng dư luận trong giới xây dựng Cần Thơ cho biết, Công ty TNHH Xây dựng Ngân Hùng sẽ trúng thầu. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cho rằng, đó chỉ là tin đồn.
Ngay trong phần mở đầu phiên chất vấn, ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND, Chủ tọa kỳ họp cho biết sẽ có 5 sở, ngành sẽ trả lời những vấn đề nóng của cử tri và đại biểu đặt ra. Tuy nhiên, kết thúc kỳ họp chỉ có 3 Giám đốc sở là Thông tin-Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn, còn nhiều vấn đề nóng của cử tri và đại biểu đặt ra không được giải trình.