Khan hiếm nguồn cát
Trên địa bàn TP. Cần Thơ đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm của Trung ương và địa phương, nhu cầu nguồn nguyên liệu cát để san lấp rất lớn, nhất là các dự án về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cát tại chỗ khan hiếm, không đủ đáp ứng nhu cầu, khiến cho các công trình, dự án gặp nhiều khó khăn.
Theo Báo cáo của Cục Thống kê TP. Cần Thơ, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ, đây là một trong hai dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn thành phố. Hiện nay, dự án đang chậm tiến độ do thiếu nguồn nguyên liệu cát san lấp.
Dự án này có tổng chiều dài khoảng 37,42 km, trong đó đoạn đi qua TP. Cần Thơ có chiều dài khoảng 13,8 km, do Ban Quản lý dự án đầu tư thành phố làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là 9.845 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương.
Nguồn nguyên liệu cát san lấp khan hiếm, khiến cho các công trình, dự án gặp nhiều khó khăn |
Tương tự, Dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn TP. Cần Thơ - Hậu Giang, đây cũng là 1 trong 2 dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn thành phố, có tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng. Theo báo cáo của nhà thầu, mặc dù nguồn vật liệu cát phục vụ cho dự án từng bước được khơi thông, nhưng nhà thầu và đơn vị thi công vẫn đang vướng các thủ tục pháp lý về cấp phép, bàn giao mỏ, trữ lượng cát theo nhu cầu trong năm và xác định giá vật liệu, vì vậy tiến độ thi công công trình và việc khai thác nguồn cát san lấp vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, với Dự án đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ nối liền Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C (đây là 1 trong 8 dự án trọng điểm theo Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ), mặc dù đơn vị thi công đang tập trung mọi nguồn lực nhưng Dự án đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cát san lấp.
Để việc thi công không bị gián đoạn, nhà thầu đang thực hiện những hạng mục dưới sông của phần cầu Ba Láng và đường dẫn vào cầu Ba Láng. Dự án có chiều dài toàn tuyến trên 19 km, trong đó điểm đầu giao với Quốc lộ 91 và Đường tỉnh 922, điểm cuối giao với Quốc lộ 61C, trên tuyến có 49 cây cầu, do Sở Giao thông vận tải thành phố làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.837,7 tỷ đồng.
Thông tin tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Vật liệu nào thay thế cát sông?” được tổ chức mới đây tại TP. Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, TP. Cần Thơ được Trung ương, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư 2 công trình cao tốc trên địa bàn: đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 thành phần 2 đi qua địa bàn TP. Cần Thơ.
Trong đó, nhu cầu lượng cát của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang hiện đang cần khoảng là 6 triệu m3, còn đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn thành phố cũng đang cần trên 5 triệu m3 cát. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm khác nên nhu cầu về cát san lấp là rất lớn. Tuy nhiên, Cần Thơ với vị trí nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong nên qua nghiên cứu đánh giá, lượng cát trên địa bàn hiện nay chỉ còn khoảng 5,3 triệu m3. Do đó, Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ nguồn cát từ các nơi khác, ở các tỉnh lân cận để thay thế.
Cần nguồn bổ sung
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 9082/VPCP-QHĐP ngày 20/11/2023 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các địa phương: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo đó, đối với kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho các dự án trọng điểm về giao thông và các công trình trọng điểm khác đang triển khai trên địa bàn thành phố, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo UBND các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác chậm nhất trong năm 2023, tuân thủ cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.
Qua nghiên cứu đánh giá, lượng cát trên địa bàn Cần Thơ hiện không còn nhiều |
Ngoài sự hỗ trợ nguồn cát từ các tỉnh lân cận, theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, trong đó có Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An - Cần Thơ. Theo yêu cầu của Dự án, sẽ nạo vét sâu và sẽ có lượng cát rất lớn, có thể sử dụng vào các công trình phù hợp.
Để triển khai Dự án, vừa qua UBND TP.Cần Thơ đã có Công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc hỗ trợ triển khai thực hiện nghiên cứu chuyên sâu Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.
Cụ thể, UBND TP. Cần Thơ đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì hỗ trợ, hướng dẫn thành phố trong quá trình chấp thuận các nhà đầu tư đề xuất tham gia nghiên cứu chuyên sâu (các nhà đầu tư đã được chấp thuận và các nhà đầu tư tiếp tục đề xuất tham gia) về tiêu chí để đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo kết quả nghiên cứu dự án có căn cứ khoa học, thực tiễn, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, UBND TP. Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cử cơ quan chuyên môn hỗ trợ, phối hợp thành phố trong việc triển khai các bước tiếp theo khi nhà đầu tư hoàn thành kết quả nghiên cứu chuyên sâu.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, trên cơ sở đề xuất tự bỏ kinh phí tham gia của các nhà đầu tư, UBND TP. Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương cho 9 nhà đầu tư được tiếp cận các thông tin cần thiết để thực hiện nghiên cứu Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Sau khi được chấp thuận chủ trương, các nhà đầu tư đã thuê tư vấn lập Đề cương khảo sát nghiên cứu chuyên sâu để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn của TP.Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Cần Thơ trong việc thực hiện xã hội hóa nghiên cứu chuyên sâu về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - sông Hậu; định hướng tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện dự án; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá sản phẩm tận thu của dự án”.
Trong diễn biến liên quan, ngày 27/11 vừa qua, Văn phòng UBND TP. Cần Thơ đã có văn bản thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Dương Tấn Hiển tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, nhà thầu tính toán phương án khai thác mỏ cát phục vụ dự án; làm việc cụ thể với các đơn vị được lựa chọn khai thác mỏ phục vụ dự án, có ràng buộc trách nhiệm từng đơn vị, không để xảy ra trường hợp khiếu nại, khiếu kiện về sau. Đảm bảo trong tháng 1/2024 phải bắt đầu khai thác mỏ; rà soát vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét quyết định...
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
Miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án.
Việc thực hiện các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.