Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ vừa ký công văn số 2206/UBND-XDĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát các dự án chuyển tiếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giai đoạn 2016- 2020, nhu cầu đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 22021-2025.
Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư của TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 khoảng 53.029 tỷ đồng. Dự kiến khả năng huy động vốn đầu tư công giai đoạn này chỉ khoảng 35.886 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 67,67% nhu cầu và tăng khoảng 8.354 tỷ đồng so với kế hoạch vốn thực giao giao đoạn 2016- 2020.
Cần Thơ kiến nghị nâng cấp, mở rộng cụm Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ trở thành trung tâm logistics kho vận của quốc gia và khu vực. |
Theo UBND TP. Cần Thơ, do điều kiện tự nhiên khá đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nền đất yếu và thấp, nhiều sông, kênh rạch...nên yêu cầu về suất đầu tư bình quân sẽ cao hơn những vùng miền khác, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế năm 2020- 2021 dự kiến sẽ thấp hơn dự báo trước đây, từ đó sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng khả năng huy động vốn đầu tư công trong những năm đầu kế hoạch.
Cũng tại công văn này, UBND TP. Cần Thơ cho rằng, hiện tại hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL còn nhiều yếu kém, là nút thắt, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Trong thời gian này, các Bộ ngành, địa phương đang lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, TP. Cần Thơ kiến nghị các Bộ, ngành tập trung nguồn lực, hoàn thành các dự án trọng điểm cho vùng. Cụ thể:
Về đường bộ, xây dựng hoàn chỉnh các tuyến Quốc lộ, tuyến cao tốc kết nối TP. HCM với các tỉnh ĐBSCL, gồm: Quốc lộ 91 (đoạn từ km 000- km7); Quốc lộ 91C (tuyến nối Quốc lộ 91B với Quốc lộ Nam Sông Hậu); nâng cấp Quốc lộ 61C giai đoạn 2 đạt qui mô 4 làn xe; tuyến cao tốc Cần Thơ đến Cà Mau; tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi (Kiên Giang); tuyến cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng; nâng cấp đường từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui (giai đoạn 2 thuộc tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu).
Về đường thủy, sớm triển khai giai đoạn 2 hoàn thành Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn (20.000 tấn đầy tải) thuận lợi, an toàn ra vào sông Hậu (qua kênh Quan Chánh Bố; nạo vét tiếp luồng Định An), đồng thời có giải pháp phân luồng cho tàu hợp lý, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng năng lực khai thác hệ thống cảng (các cảng từ Cần Thơ đi Singapore, Maylaysia rất gần; hiện tại do bồi lắng, luồng Định An chỉ tàu 3.000 tấn ra vào; luồng kênh Quan Chánh Bố chỉ tàu 7.000- 10.000 tấn ra vào, tàu đi qua 26km trên kênh này mất thời gian 01 ngày; chi phí vận chuyển hàng container từ vùng ĐBSCL qua cảng Cái Mép- Thị Vải tăng thêm 7- 10 USD mỗi tấn hàng).
Về đường hàng không, cho chủ trương nâng cấp, mở rộng cụm Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ trở thành trung tâm logistics kho vận quốc gia và khu vực; vừa có chức năng vận chuyển hàng hóa, hành khách, vừa làm nhiệm vụ hậu cần, đào tạo, huấn luyện nhân lực ngành hàng không.
Về đường sắt, đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM- Cần Thơ.