Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ vừa ký Quyết định số 730/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực tài chính, ngân sách theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ (gọi tắt là Tổ công tác).
Theo Quyết định nêu trên, Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND Thành phố, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực tài chính, ngân sách theo đúng Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên tham gia bảo đảm các yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố về tình hình triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của UBND Thành phố và Chủ tịch UBND Thành phố.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND Thành phố, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách theo đúng Nghị quyết số 45 của Quốc hội. |
Về chế độ làm việc, Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên và người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về công việc được phân công theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao. Tổ tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ được phân công làm Tổ trưởng Tổ công tác. Hai Tổ phó là ông Nguyễn Quang Nghị - Giám đốc Sở Tài chính (Tổ phó thường trực) và ông Cáp Quý Phúc - Cục trưởng Cục Thuế cần Thơ.
Theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, đối với chính sách về Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước gồm 3 nội dung:
Thứ nhất, TP. Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Thứ hai, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i, và q khoản 1 Điều 35 của Luật ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.
Thứ ba, thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn thành phố như sau:
Hội đồng nhân dân thành phố quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí tòa án;
Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại điểm a khoản này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố;
Việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn thành phố quy định tại điểm a khoản này phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm có lộ trình, phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển của thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; không gây ra tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước.