Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII "Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; đồng thời phát huy vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng, thời gian tới TP. Cần Thơ xác định "Ba trụ cột" quan trọng, đó là: Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; Phát huy nội lực của Cần Thơ; Tăng cường liên kết để phát triển.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ |
Về “trụ cột” thứ nhất, ông Trần Việt Trường cho rằng, Thành phố bám sát chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với bộ, ban, ngành, Trung ương thực hiện đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt nhằm tạo sự kết nối thuận lợi giữa TP. Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, cũng như kết nối với TP.HCM. Đặc biệt là tuyến cao tốc theo trục dọc (Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau); trục ngang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng).
Đầu tư “Thành phố sân bay”, xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ; ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông, trung tâm logistics cấp vùng tại Cần Thơ; đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn; phát triển trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng tại Cần Thơ; phát triển khu năng lượng điện Ô Môn phù hợp quy hoạch năng lượng quốc gia. Đưa vào quy hoạch cả nước về điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của thành phố giai đoạn 2020 - 2030.
Về ‘trụ cột” thứ 2, theo ông Trần Việt Trường, Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL, với giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng ĐBSCL (trục hành lang TP.HCM - TP.Cần Thơ và trục sông Hậu); là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường hàng không; là địa bàn trọng yếu, chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng và cả nước.
Thành phố là trung tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; với hệ thống các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề để cung ứng nguồn nhân lực cho Thành phố và các tỉnh ĐBSCL; xây dựng Người Cần Thơ "Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch".
Thành phố tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ cải cách hành chính tăng sức cạnh tranh... sớm triển khai Quy hoạch TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; xây dựng khu công nghệ cao TP. Cần Thơ theo định hướng trở thành khu công nghệ cao quốc gia; Phát triển nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống và mở rộng các dịch vụ mới có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn, đặc biệt là dịch vụ logistics; xây dựng hạ tầng thương mại đồng bộ, trung tâm thương mại lớn, hiện đại; Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế cấp vùng. Xây dựng TP. Cần Thơ trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.
Chú trọng phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số và tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe; đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng môi trường văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của thành phố và vùng ĐBSCL; giữ vững quốc phòng - an ninh…
Về “trụ cột” thứ ba, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh, Thành phố tăng cường liên kết các địa phương vùng ĐBSCL, TP.HCM, các tỉnh khác trong cả nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát huy tốt vai trò trung tâm của TP. Cần Thơ, tăng cường liên kết, phối hợp các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh liên vùng, nhất là TP.HCM để khẳng định Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, của cả nước và đóng vai trò kết nối nước ta với các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Liên kết chặt chẽ và hiệu quả sẽ thu hút nhiều tập đoàn bán buôn, bán lẻ lớn, có uy tín để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng hóa và hệ thống phân phối. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt kêu gọi đầu tư vào các trung tâm, siêu thị, chợ đầu mối, chợ chuyên ngành,… đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và vùng ĐBSCL.
Chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất Trung ương các cơ chế chính sách phát triển liên kết nội vùng ĐBSCL và liên vùng, nhất là TP.HCM. Phát huy lợi thế riêng biệt, sẵn có của Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, đặc biệt là giáo dục - đào tạo, y tế, giao thông vận tải, logistics, công nghiệp chế biến, nghiên cứu khoa học - công nghệ và du lịch. Liên kết đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo nghề, tạo việc làm; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia liên kết vùng, hội nhập quốc tế.
Ông Trần Việt Trường khẳng định, Thành phố quyết tâm thực hiện hiệu quả "Ba trụ cột" , đây sẽ là nền tảng vững chắc như kiềng 3 chân tạo đà, bứt phá trong phát triển TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Đây cũng là nhiệm vu, giải pháp quan trọng để khẳng định "Vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng".