Không yêu, đừng nói lời cay đắng
Vốn dĩ tôi không có quyền và cũng không có trách nhiệm để phán xử, đánh giá, nhận xét ai hay vấn đề gì. Điều này đúng cả trong công việc khi được phân giao trở thành phóng viên trong mảng khởi nghiệp và doanh nghiệp - doanh nhân. Cầu thị, lắng nghe, nghe và được nghe phản hồi dựa trên tinh thần góp ý xây dựng rồi hành động có thể giúp tôi hoặc người khởi nghiệp bắt lấy những ước mơ của mình. Khi mỗi người đều có tinh thần khởi nghiệp, muốn khám phá cái mới, đưa cái mới vào cuộc sống thì một quốc gia khởi nghiệp mới hình thành.
Thái độ cởi mở, góc nhìn lạc quan cho cộng đồng khởi nghiệp là sự khích lệ cần có. Trong ảnh: Các start-up tham gia chương trình Shark Tank thuyết trình trước các nhà đầu tư. Ảnh: Khánh An |
Báo cáo của Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu (GEM) 2015 - 2016 đưa ra tại Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 vừa rồi tại TP.HCM cho thấy, khoảng 25% người Việt Nam trong độ tuổi 18 - 64 có ý định khởi sự kinh doanh, nhưng trên 50% trong số họ lo thất bại. Họ nghĩ nhiều đến sự thất bại. Điều này có thể đến từ bản năng của con người, song cũng không loại trừ khả năng từ thái độ tiêu cực như chê bai hay cười khẩy của cộng đồng khi nhắc đến khởi nghiệp hay người khởi nghiệp.
Tỷ lệ trên 90% start-up thất bại có thể là con số tượng trưng, chưa hẳn thật đúng với mọi quốc gia. Tuy nhiên, điều này giúp những người trong hệ sinh thái khởi nghiệp ý thức rõ ràng ngay từ đầu rằng, phải kiên định và sẵn sàng thay đổi theo thực tế. Trước khi lấy được cái nhìn thiện cảm từ người đối diện, người khởi nghiệp phải chứng minh sự nhiệt huyết, trí tưởng tượng và lòng can đảm với dự án của mình.
Và ngược lại, cộng đồng, trong đó có tôi, dù không yêu, cũng đừng nói lời cay đắng để vô tình hay hữu ý khiến họ họ nản chí.
Phương Tây có câu: “Don't judge a book by its cover”, tạm dịch là đừng phán xét một quyển sách qua cái bìa. Các start-up phải vững vàng trước những lời chê bai, họ hiểu điều đó hơn ai hết trước khi khởi sự kinh doanh. Nhưng suy cho cùng, phải chăng, sau những lời nói ấy, họ cần được nhận về một sự động viên và lời góp ý chân thành.
Doanh nhân Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khải Silk từng nói một câu mà tôi rất đồng tình: “Nếu ai ghét người giàu thì người đó sẽ không bao giờ giàu có”. Lời chê bai sẽ trở nên tiêu cực nếu theo sau những câu nói ấy, ta không đưa ra một lời giải đáp hay gợi ý giải quyết vấn đề hay ho.
Tất cả những thành tựu mà chúng ta thấy được thường bắt nguồn từ những thứ đơn giản, nhỏ nhặt. Doanh nhân cũng là con người, với đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố và có tâm lý mong muốn được người khác nghĩ tốt về mình. Niềm tin vào bản thân là cần, nhưng sẽ đủ đầy hơn để trở thành động lực nếu xuất phát từ cộng đồng.
Sẽ không có Facebook, Airbnb, Amazon... ngày nay nếu từ ngay trứng nước, người lãnh đạo của họ nhận được lời chê bai nhiều hơn sự góp ý chân thành với góc nhìn cởi mở từ cộng đồng.
Các ý tưởng cũng giống như những hạt giống, được chọn lọc, gieo xuống đất và cần thời gian để lớn dần. Hãy tin rằng, người khởi nghiệp luôn cố gắng để dự án đó hiệu quả. Nếu không, người đầu tiên chịu ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (tiền, niềm tin, thương hiệu cá nhân...) cũng chính là họ.
Thất bại có thể cho chúng ta nói chung và người khởi nghiệp nói riêng kinh nghiệm, nhưng chắc chắn sẽ kéo dài thời gian đi đến thành công của mỗi người. Có những thất bại phải trả giá trong suốt một thời gian dài, làm nhụt chí người trong cuộc.
Đây không phải là tôi đang nghĩ cho người khác để họ trở nên khá khẩm hơn trong kinh doanh, mà là dành cho tôi, để có nhìn nhận và cuộc sống lạc quan hơn.
Tư duy của người lãnh đạo trong một công ty khởi nghiệp rất đáng khích lệ bởi sự thích nghi, sẵn sàng thay đổi sao cho phù hợp với tình hình thực tế bằng tất cả khả năng có thể. Môi trường kinh doanh ngày càng biến đổi, khiến không ai có thể lường trước những rủi ro bất ngờ. Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng nằm trong môi trường ấy, có chăng, họ khác biệt ở khả năng ứng biến nhanh nhạy trước thời cuộc. Việc hiện thực hóa kế hoạch ứng phó với rủi ro ra sao còn tùy thuộc nhiều yếu tố.
Mỗi cá nhân sẽ là một mảnh ghép trong doanh nghiệp với thế mạnh, điểm yếu khác nhau và bổ trợ cho nhau. Trong quá trình vượt qua những “đá tảng chặn đường”, họ trở thành những đồng sự. Đó là những điều tôi học được từ những người khởi nghiệp.
Phải chăng, đúng hay sai là tùy cảm nhận và cảm xúc của mỗi người khi tiếp nhận thông tin, chứ có mấy ai thấu đáo được mọi vấn đề.
Tự học hỏi và nhanh chóng thay đổi
Cần một tinh thần khởi nghiệp khi viết về khởi nghiệp. Điều ấy phần nào tái hiện cho độc giả hiểu được tham vọng, nhiệt tâm của người khởi nghiệp qua những con chữ tưởng chừng như vô hình. Điều này không chỉ đúng qua các cuộc tiếp xúc với các nhân vật khởi nghiệp, mà ngay cả với những công ty, tập đoàn lớn - nơi có những doanh nhân cùng các đồng sự tạo ra doanh thu, lợi nhuận hàng trăm, ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Tôi hay ví von, chỉ khi viết là niềm vui thì ngòi bút mới sổ lồng. Niềm vui ấy sẽ mãi được duy trì nếu sự khôn ngoan liên tục được rèn giũa.
Người được mệnh danh là vua giàu nhất thế gian, ông Solomon - vua Israel cổ đại, chỉ xin được ban cho "sự khôn ngoan và hiểu biết để trị vì muôn dân". Vì sao đó là sự khôn khoan?
Doanh nhân Lý Quí Trung từng diễn giải, sự khôn ngoan là tài sản quý nhất của mình. Nhiều người cho rằng, "kiến thức và tri thức" là nền tảng quan trọng nhất của mỗi người, nó còn quan trọng hơn cả tiền bạc, bởi chính kiến thức và tri thức sẽ đẻ ra tiền bạc.
Nhưng trong thời đại kinh tế tri thức, với sự bùng nổ của Internet, của mạng xã hội, thông tin nhiều vô kể từ các nguồn khác nhau, thật giả lẫn lộn. Chưa kể có tri thức, có kiến thức, nhưng nếu không áp dụng vào thực tiễn thì chúng mãi chỉ là vật trang sức. Khi đó, sự hiểu biết sẽ giúp phân biệt thông tin thật - giả và mang tri thức, kiến thức áp dụng vào công việc và cuộc sống.
“Thế vẫn chưa đủ, bởi trong một rừng tri thức, kiến thức đã tích luỹ được, khi gặp một tình huống cụ thể ta chọn tri thức, kiến thức nào, áp dụng tri thức, kiến thức nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, thu được kết quả tốt nhất là việc không hề đơn giản”, doanh nhân Lý Quí Trung chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Cũng theo Lý Quí Trung, việc thu nhận những thông tin xác thực, có giá trị nhất, phù hợp nhất để áp dụng chính xác vào từng tình huống cụ thể trong cuộc sống, mang lại hiệu quả cao nhất được gọi là sự khôn ngoan.
Như vậy, sự khôn ngoan là mức cao nhất, cao hơn cả tri thức, kiến thức và sự hiểu biết, nó biến tri thức, kiến thức và sự hiểu biết thành kết quả cụ thể.
Tôi phải luôn tự nhủ rằng, phải xác định viết báo là nghề và trở thành nghiệp của mình, với sự đam mê, chấp nhận mọi gian nan, thử thách với ý chí mạnh mẽ, luôn tạo ra động lực để làm và sống với nghề. Để có sự khôn ngoan và giữ niềm vui, nhiệt tâm trong nghề nghiệp, thì việc học hỏi và chấp nhận thay đổi sẽ là những điều kiện cần. Người khởi nghiệp nói riêng và doanh nhân nói chung là những người giỏi giang, dấn thân. Tôi may mắn mỗi ngày có cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ họ - nguồn thông tin, dữ liệu quý giá, phần nào giúp người cầm bút như tôi có cách nhìn đa chiều về một vấn đề. Và học hỏi sẽ là nền tảng giúp mỗi người không lạc nhịp với số đông còn lại.
Thực tế, nói hay viết thế nào cho người khác hiểu đúng là việc rất khó, bởi mỗi người có nền tảng kiến thức khác nhau, nhận thức khác nhau. Không phải nói đúng, viết đúng thì người khác nghe, độc giả sẽ hiểu đúng. Đó là chưa kể đến sự khác nhau giữa nói đúng và nói đủ. Đặt mình vào vị trí người đọc, tôi chỉ cố gắng lột tả hết vấn đề mà mình đã nghe, thấy một cách đơn giản nhất để thực hiện mục tiêu truyền thông và giao tiếp, để người khác hiểu đúng.
Thái độ cởi mở, một góc nhìn lạc quan cho cộng đồng khởi nghiệp là sự khích lệ cần có. Cần nói rõ ở đây, sự động viên, khích lệ không có nghĩa là a dua hay tâng bốc, mà là góp ý chân thành. Phần việc còn lại, người điều hành mỗi công ty sẽ biết cách tự cân đối.