Đầu tư
Cần tới 30 triệu m3 vật liệu thông thường để xây vành đai 4 - vùng Thủ đô
Anh Minh - 27/04/2023 16:01
Khối lượng và công suất các mỏ đã khảo sát là vượt xa so với nhu cầu vật liệu phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô vừa ban hành Thông báo số 08 - TB/BCĐ thông báo kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Đinh Tiến Dũng tại buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công công trình.

Thông báo số 08 cho biết, căn cứ báo cáo về khối lượng và công suất các mỏ đã khảo sát tại các địa phương lân cận là hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Cụ thể, có 31 mỏ đất đắp trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố được khảo sát với tổng trữ lượng khoảng 114 triệu m3 so với nhu cầu dự kiến sử dụng khoảng 12 triệu m3; 32 mỏ cát trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố được khảo sát với tổng trữ lượng khoảng 56 triệu m3 so với nhu cầu dự kiến sử dụng khoảng 10,5 triệu m3; 39 mỏ đá trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố được khảo sát với tổng trữ lượng khoảng 280 triệu m3 so với nhu cầu dự kiến sử dụng khoảng 7,5 triệu m3).

Căn cứ kết quả khảo sát nói trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo giao Ban cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) và các tỉnh có liên quan rà soát, xây dựng phương án về các mỏ vật liệu xây dựng để đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

“Phương án này phải thể hiện đầy đủ địa chỉ cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, khả năng khai thác, cung cấp sản lượng theo tiến độ Dự án, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên tối đa sử dụng các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và có giá thành rẻ nhất”, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu.

Về việc áp dụng cơ chế đặc thù về mỏ vật liệu của Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn các tỉnh (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có các mỏ vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu, có cự ly vận chuyển hợp lý, thuận tiện giao thông và có thể cung cấp vật liệu xây dựng cho Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Liên quan đến việc thực hiện phương án đắp K98 và đắp bao bằng đất và đắp K95 bằng cát, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo giao Ban cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan của Thành phố làm việc với TEDI rà soát, nghiên cứu kỹ giải pháp thiết kế đảm bảo tính kinh tế kỹ thuật, báo cáo các Sở chuyên ngành thẩm định trình UBND TP. Hà Nội xem xét, quyết định.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Trong đó đoạn qua Hà Nội 58,2 km, đoạn qua Hưng Yên hơn 19 km, đoạn qua Bắc Ninh trên 25 km và tuyến nối dài 9,7 km. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Tổng mức đầu tư Dự án là hơn 85.000 tỷ đồng, được khởi động từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó Hà Nội thực hiện với 3 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP. UBND tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm 2 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.

Tin liên quan
Tin khác