Du lịch
Cẩn trọng khi mua combo du lịch giá rẻ mùa cao điểm
Hồng Hạnh - 19/06/2022 07:44
Mùa hè, nhu cầu du lịch nội địa tăng cao, kéo theo dịch vụ tăng giá, nhưng lại có nhiều quảng cáo tour giá rẻ, thậm chí siêu rẻ. Các hãng lữ hành khuyến cáo, du khách cần thận trọng kẻo bị mắc lừa.
Ảnh minh họa

Lợi dụng tâm lý ham rẻ

Theo các doanh nghiệp du lịch, lợi dụng nhu cầu của người dân đi du lịch tăng cao sau thời gian dài bị dồn nén, các đối tượng chào mời gói du lịch giá siêu rẻ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của du khách.

Chiêu phổ biến nhất của các đối tượng lừa đảo là mạo danh nhân viên của công ty uy tín và làm giả giấy tờ thanh toán vì không cần kỹ thuật, trình độ công nghệ cao siêu, mà chỉ cần chỉnh sửa lại thông tin từ các hóa đơn thanh toán bản mềm (trên mạng hoặc do tự đặt) để gửi cho khách hàng.

Mới đây, giới lữ hành xôn xao về vụ 144 du khách mua combo vé máy bay và khách sạn đi Phú Quốc (Kiên Giang), nhưng khi ra sân bay mới biết không có vé. Về câu chuyện này, ông Vũ Văn Tuyên, CEO Công ty Travelogy Việt Nam cho rằng, combo du lịch là thứ vô hình, dịch vụ yêu cầu trả tiền trước, dùng sau, chứ không hữu hình như những mặt hàng bình thường khác. Do đó, du khách cũng cần trở thành “du khách thông minh” để đảm bảo quyền lợi của mình.

Theo ông Tuyên, đa số kẻ lừa đảo sẽ gửi mã vé máy bay, mã đặt phòng sau khi khách hàng chuyển tiền, nhưng đây chỉ là mã đặt giữ chỗ, chưa có xác nhận đã thanh toán, hết thời gian giữ chỗ, mã đó sẽ tự huỷ, hoặc đặt trên các ứng dụng đặt phòng, họ chỉ gửi xác nhận tạm thời. Nên việc gửi mã đặt chỗ này không có ý nghĩa về mặt xác thực uy tín.

Tình trạng lừa đảo combo du lịch vào mùa cao điểm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp du lịch làm ăn chân chính nói riêng. Do đó, vấn đề này cần sự vào cuộc quyết liệt, sự chung tay của các cơ quan chắc năng có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và du khách để xử lý triệt để. 

Ông Đỗ Đức Anh (Hà Nội), người từng bị lừa mất khoảng 20 triệu đồng cho gia đình 6 người đi Phú Quốc hồi tháng 4 kể, ông chưa gặp mặt người bán voucher bao giờ, nhưng đã nhiều lần đặt dịch vụ với giá khá tốt. Lần này ông cũng tin tưởng đặt vé máy bay khứ hồi và khách sạn 3 đêm cho gia đình. Sau khi chuyển tiền, ông nhận được mã đặt phòng, vé máy bay. Tuy nhiên, chỉ có chuyến bay chiều đi đã được thanh toán, phòng khách sạn và chiều về chưa được thanh toán và mã đặt dịch vụ đã bị hủy.

“Đến khách sạn gọi điện thì đã bị chặn số, Facebook người này cũng chặn nên buộc lòng vợ chồng tôi phải đặt phòng, vé máy bay giá cao. Sau cú sốc này, chúng tôi quyết tự đặt dịch vụ trực tiếp với hàng không, khách sạn, không qua trung gian nữa”, ông Đức Anh bức xúc.

Kiểm tra kỹ trước khi xuống tiền

CEO Công ty Travelogy Việt Nam cho rằng, khách hàng không nên đặt trọn niềm tin vào doanh nghiệp lữ hành hay đại lý. Khi đặt combo, có thể gọi điện tới hãng bay hoặc khách sạn để kiểm tra tên, mã vé có đúng không, đã được thanh toán tiền, đặt chỗ chưa. Trước khi giao dịch cũng cần kiểm tra kỹ độ uy tín, giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp trên hệ thống của Tổng cục Du lịch và các sở du lịch địa phương.

“Khi thanh toán bằng tài khoản cá nhân, hoặc của doanh nghiệp đều phải ký hợp đồng để làm vi bằng nếu xảy ra tranh chấp”, ông Vũ Văn Tuyên đặc biệt lưu ý và cho rằng, khách hàng cũng cần tham khảo nhiều kênh thông tin để biết mức giá chung của combo đó, nếu có đơn vị chào bán mức giá thấp hơn 20-70% thì nên thận trọng và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuống tiền. 

Là hướng dẫn viên có 10 năm làm nhân viên kinh doanh của một hãng lữ hành lớn, chị Nguyễn Thị Trâm chia sẻ, những kẻ lừa đảo luôn đánh vào tâm lý chung của khách là ham rẻ. Giá các đối tượng này chào bán luôn thấp hơn hẳn đại lý, công ty.

Chị Trâm bật mí, để kiểm tra độ uy tín của người bán, du khách có thể đăng thông tin của người bán trên các hội nhóm du lịch mà khách đã đăng bài tìm combo, voucher. Bên cạnh đó, Facebook cá nhân của kẻ lừa đảo không bao giờ dám để chế độ bình luận công khai, vì kẻ lừa đảo sợ những người từng bị lừa vào tố giác. Ngoài ra, khách hàng để ý phần “like” bài ở trang cá nhân, những kẻ lừa đảo thường bị thả “icon” phẫn nộ. Đặc biệt, cần chú ý xem tên tài khoản ngân hàng và tên Facebook cá nhân có trùng nhau không. Nếu lệch và được bao biện là tài khoản công ty thì hãy gọi video call trực tiếp để xác thực.

Để tránh bị thiệt hại về chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của gia đình và bản thân, CEO Công ty Travelogy Việt Nam khuyên du khách lựa chọn dịch vụ của những công ty uy tín để tránh bị lừa đảo và có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có vấn đề. Trước khi đăng ký tour, du khách cũng cần yêu cầu công ty cung cấp chi tiết các nội dung liên quan như thời gian, các địa điểm tham quan cụ thể, phương tiện di chuyển, khách sạn, tiêu chuẩn bữa ăn, bảo hiểm du lịch. Đồng thời, phải nắm rõ các chi phí nằm trong gói du lịch và các chi phí có thể phát sinh trong quá trình du lịch như phụ phí vé máy bay, phụ phí trẻ em…

Tin liên quan
Tin khác