Gần đây, bộ kit test nhanh Covid-19 đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội và trang thương mại điện tử với giá lên tới vài trăm nghìn đồng/kit, tuỳ nơi sản xuất.
Chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên tự ý mua kit xét nghiệm được rao bán trên mạng xã hội về sử dụng |
Nhiều người do nhu cầu cá nhân nên đã tự mua các sản phẩm này về để sử dụng. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Y tế cho hay, người dân hết sức cảnh giác vì các kit xét nghiệm rao bán trên mạng bởi chưa biết sản phẩm có hiệu quả trong việc xét nghiệm xác định bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không và đã được các cơ quan Việt Nam kiểm định cũng như được cấp phép lưu hành hay chưa.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đặc biệt là dịch Covid-19, nếu các kit xét nghiệm giả mạo, chất lượng không bảo đảm không những không phát hiện ra bệnh mà còn là nguy cơ phát tán, làm lây lan dịch bệnh.
Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thận trọng khi mua và sử dụng sản phẩm, tránh những tác hại không đáng có. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra các thông tin rao bán kit test nhanh Covid-19 trên một số trang mạng.
Về phía chuyên gia theo TS.BS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện nay không có quy định cấm người dân mua, sử dụng kit test nhanh Covid-19.
Tuy nhiên, các kit test nhanh Covid-19 bán trên thị trường chủ yếu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, đánh giá chất lượng.
Về nguyên tắc, kit test nhanh Covid-19 được lưu hành ở Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cấp phép. Đây là loại kit test được làm để người dân dễ dàng sử dụng, tuy nhiên loại kit test gì, chất lượng ra sao phải được cơ quan quản lý dược phẩm cấp phép mới đảm bảo an toàn.
"Sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ không có ai đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, nếu dùng sai cách dẫn tới nhận định sai, sinh ra tâm lý lo lắng hoặc chủ quan không đúng với hiện trạng sức khoẻ sẽ rất nguy hiểm", đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay.
Với những tác hại nêu trên chuyên gia khuyến cáo nếu chưa cấp thiết, chưa được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu, người dân không nên tự ý mua kit xét nghiệm được rao bán trên mạng xã hội về sử dụng. Trường hợp thật sự có nhu cầu muốn sử dụng cần tìm hiểu để mua những loại kit test đã được cơ quan của Bộ Y tế cấp phép.
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, hiện Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành cho 9 sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán invitro xét nghiệm virus Sars- Cov-2 do Việt Nam sản xuất và 28 sản phẩm nhập khẩu. Người dân có nhu cầu có thể tìm đến các sản phẩm được cấp phép theo khuyến cáo.
Liên quan tới việc xét nghiệm nhanh Covid-19, Bộ Y Tế vừa ban hành Công văn số 4356/BYT-KHTC hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Theo đó, với xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, một số công ty trong nước đã sản xuất và được cấp số lưu hành test nhanh xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể và kháng nguyên virus. Một số công ty cũng đã được cấp phép nhập khẩu các loại test nhanh này.
Tuy nhiên, do mức giá của các loai test hiện đang rất khác nhau nên Bộ Y tế đề nghị, thanh toán thực thanh, thực chi đối các trường hợp xét nghiệm bằng test nhanh, thời điểm áp dụng kể từ ngày 1/7/2021.
Ngoài ra, về việc thanh toán Bảo hiểm y tế với xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế cũng nêu rõ chi phí xét nghiệm vi khuẩn/vi rus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR: 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm;
Giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm: 117.800 đồng/mẫu; Giá thực hiện xét nghiệm: 616.200 đồng/mẫu; Giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu.
Đồng thời, với các đối tượng không thanh toán BHYT, giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm tối đa 117.800 đồng/mẫu; Giá xét nghiệm: Tối đa 616.200 đồng/mẫu.
Trường hợp mẫu gộp phát hiện dương tính, phải tiếp tục làm các xét nghiệm mẫu đơn thì chi phí thực hiện xét nghiệm được tính tiếp theo trường hợp mẫu đơn.
Về số ca mắc mới Covid-19 tới sáng ngày 3/6 theo tin từ Bộ Y tế, các địa phương có thêm ca mắc là Bắc Giang (32), Bắc Ninh (20), Lạng Sơn (3), Hải Dương (1).
Các bệnh nhân ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang đều được phát hiện trong khu cách ly và vùng đã được phong tỏa, liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp.
Ở Bắc Ninh, các ổ dịch có thêm ca bệnh gồm Thuận Thành (10), khu công nghiệp Khắc Niệm (9), Quế Võ (1).
Lạng Sơn có thêm 1 F1 và hai người liên quan khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung (Bắc Giang) mắc Covid-19. Họ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 2/6.
Nữ bệnh nhân 48 tuổi ở TP Hải Dương được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng vào ngày 2/6.
Riêng tại TP.HCM, theo HCDC, tính từ 18 giờ ngày 2/6 đến 6g sáng ngày 3/6, TP ghi nhận thêm 18 trường hợp nghi nhiễm mới (đang chờ Bộ Y tế công bố).
Trong 18 trường hợp ghi nhiễm có 17 trường hợp đều là F1 của các bệnh nhân liên quan đến tổ chức tôn giáo, đã được cách ly từ trước.
17 trường hợp này phân bố ở 6 quận huyện cụ thể: 2 trường hợp ở Quận 3, 1 trường hợp ở quận 8, 4 trường hợp ở Bình Thạnh, 2 trường hợp ở Bình Tân, 8 trường hợp ở Gò Vấp, 1 trường hợp ở Phú Nhuận.
Còn 1 trường hợp là nhân viên y tế Bệnh viện Nam Sài Gòn tại huyện Bình Chánh. Trường hợp này đang tiếp tục điều tra, xác minh. Các trường hợp ghi nhận từ tối 2/6 đã được các quận huyện khẩn trương điều tra, truy vết ngay trong đêm.
Trước đó, trong bản tin chiều 2/6, TP đã ghi nhận 248 bệnh nhân liên quan đến tổ chức tôn giáo.
Như vậy đến sáng nay số bệnh nhân liên quan đến tổ chức này đã là 265 trường hợp. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến quán bánh canh ở quận 3 đã có 7 bệnh nhân. Phát hiện 1 nhân viên y tế nghi nhiễm đang được điều tra tiếp.