Giá vàng tăng mạnh gần đây phần lớn do báo cáo thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt hơn rất nhiều so với dự kiến. |
Giá vàng tăng
Giá vàng thế giới giảm nhẹ gần 3 USD, nhưng vẫn giữ trên ngưỡng 1.618 USD/ounce trong ngày 6/4. Theo chiều hướng giá thế giới, vàng SJC trong nước của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết trong trưa 6/4 ở mức 47,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,05 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 - 70.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Giá vàng tăng mạnh gần đây phần lớn do báo cáo thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt hơn rất nhiều so với dự kiến. Số người Mỹ thất nghiệp tăng vọt do chính quyền nhiều bang của Mỹ đã ra lệnh phong tỏa, khiến các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa tạm thời. Mỹ đã phải thông qua gói cứu trợ kinh tế 2.000 tỷ USD để “cứu thương” nền kinh tế đang gặp khó khăn. Trước các bằng chứng cho thấy dịch Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào một đợt suy thoái sâu, thì vàng được hưởng lợi, trong khi các thị trường chứng khoán đã mở đầu quý mới trong sắc đỏ.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), ông Trần Thanh Hải cho rằng, về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá của vàng đã được củng cố, nhất là khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc 1.675 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo của vàng đang đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.600 USD/ounce.
Ngân hàng ANZ từng đưa ra dự báo giá vàng sẽ lập kỷ lục 2.000 USD/ounce trong quý II/2020. Thế nhưng, mới đây, Ngân hàng Đầu tư B.Riley FBR còn gây sốc hơn khi đưa ra dự báo vàng sẽ cán mốc 2.500 USD/ounce (tương đương 71 triệu đồng/lượng) vào quý III và giao dịch quanh mức giá này đến quý IV/2020.
Hết sức cẩn trọng khi mua vàng
Mặc dù giá vàng được dự báo sẽ còn cơ hội bứt phá trong thời gian tới khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa lãi suất USD tiệm cận 0%, song các chuyên gia lĩnh vực vàng khuyến nghị, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước sức nóng của vàng, vì giá vàng khó tránh quay đầu sau khi lên cao.
Theo đánh giá của Công ty TD Securities, khi dịch qua đi, nền kinh tế toàn cầu trong tình trạng nới lỏng tiền tệ, thâm hụt tài khoản tăng đột biến sẽ là yếu tố thúc đẩy vàng tăng giá. Tuy nhiên, giá vàng có thể lao dốc không phanh sau đó. Điều này đã từng xảy ra năm 2008 khi thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ Mỹ, vàng đã đánh bại tất cả các kỷ lục trước đó để lập đỉnh rồi lại khiến hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ vì mất giá không phanh.
Trong khi đó, cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh nhận định, khó có thể dự đoán được dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu và khi nào kết thúc, ảnh hưởng thế nào đến các kênh đầu tư... Một khi ẩn số này chưa được giải mã thì rất khó có dự báo chính xác cho vàng.
Khi rót vốn vào vàng trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư trong nước phải theo dõi sát diễn biến thị trường vàng thế giới. Song hiện giá vàng trong nước không được liên thông với giá quốc tế, nên sẽ có rủi ro. Do đó, các nhà đầu tư nên phân bổ vốn rót vào vàng và các kênh đầu tư khác trong danh mục đầu tư, thay vì chỉ nhắm vào mặt hàng kim quý này.
“Tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam thường đổ xô mua vàng khi thấy giá vàng tăng nóng và ồ ạt bán tháo khi giá quay đầu. Nhưng để kiếm lợi nhuận, cần hành động ngược lại, vì vàng được dự báo sẽ còn cơ hội tăng”, ông Khánh nói.
Thị trường vàng đang có biến động khó lường trước diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu và nỗi lo dịch Covid-19 có xu hướng lan rộng nhanh chóng. Sự nóng vội của các nhà đầu tư và người dân có thể sẽ gây ra các thiệt hại cho bản thân và nền kinh tế.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, nếu có ý định “lướt sóng” vàng, nhà đầu tư chưa hẳn kiếm được lợi nhuận. Hơn nữa, mua vàng cất trữ không phải là một kênh đầu tư, mà như là “tiền chết” và chỉ là nơi trú ẩn an toàn.