Các chuyên gia y tế cảnh báo, liên cầu khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người và có xu hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng.
Ảnh minh họa. |
Hai ngày sau khi giết mổ lợn bệnh và không sử dụng các biện pháp bảo hộ, một người đàn ông (48 tuổi, ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì) xuất hiện sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, nôn…
Một ngày sau, bệnh nhân nổi ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Trước đó, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn, trong đó một người mắc bệnh sau khi giết mổ và ăn thịt lợn ốm, người còn lại mắc bệnh sau khi ăn tiết canh.
Còn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng tiếp nhận hai bệnh nhân mắc liên cầu lợn, trong đó bệnh nhân nữ làm nghề bán thịt lợn; còn bệnh nhân nam mắc bệnh sau khi ăn tiết canh và tham gia thái thịt lợn tại một đám cưới.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…
Thậm chí, một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê... Khi ăn những món tiết canh này cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, một số bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, hoặc tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện có 2 type liên cầu lợn, trong đó type I hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi; type II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn nhưng thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da. Điều đáng nói, S.suis type II ở lợn thường gây bệnh cho người.
Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, ù tai, cứng gáy, rối loạn chi giác, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau, như: Xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa.
Đặc biệt, triệu chứng hay gặp trong bệnh liên cầu lợn là nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn vào máu và nhân lên nhanh chóng, đồng thời tiết ra nhiều độc tố.
Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn, nhất là trong mùa hè này, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp với Chi cục Thú y thành phố nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó.
Ngoài ra, CDC TP chịu trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trong giám sát, xử lý dịch bệnh liên cầu lợn.
Đồng thời, tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với những ca bệnh nghi do nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện trung ương, bệnh viện bộ/ngành và các bệnh viện tuyến thành phố để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các quận, huyện, thị xã nắm bắt kịp thời tình hình dịch trên đàn lợn.
Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan sang người; chịu trách nhiệm giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các bệnh viện phân cấp và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch...
Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn; bảo đảm vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh. Bởi, khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng.
Bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, mà chỉ điều trị bằng kháng sinh thời gian dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.
Để phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn.
Ngoài ra, có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc...
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch.
Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng đề nghị đối với các cơ sở khám, chữa bệnh chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát, phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, từ đó kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn.
Đồng thời có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.