Ngân hàng - Bảo hiểm
Cẩn trọng với “huyệt” tỷ giá
Minh Nhung - 02/08/2022 08:19
Trong nền kinh tế của một quốc gia mở cửa hội nhập, tỷ giá là một “huyệt” rất quan trọng. Do vậy, cần hết sức cẩn trọng khi “bấm” vào “huyệt” này.

Vai trò quan trọng của tỷ giá thể hiện trong quan hệ vay/trả nợ vay ngoại tệ của cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia. Nếu tỷ giá tăng, thì khi vay ngoại tệ tính ra nội tệ sẽ có lợi, nhưng khi trả tính bằng nội tệ sẽ bất lợi. Nếu tỷ giá giảm thì khi vay ngoại tệ tính ra nội tệ sẽ bất lợi, khi trả tính bằng nội tệ sẽ có lợi.

Một vai trò quan trọng khác của tỷ giá là tác động đến lạm phát theo 2 nghĩa.

Nghĩa thứ nhất là tác động đến yếu tố chi phí đẩy. Nếu tỷ giá tăng, thì giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng nội tệ sẽ tăng “kép” (vừa do tính bằng ngoại tệ tăng, vừa do tỷ giá tăng).

Nghĩa thứ hai là tác động đến yếu tố tâm lý. Nếu tỷ giá tăng, thì tâm lý găm giữ ngoại tệ tăng, gửi tiết kiệm giảm, gây sức ép tới lạm phát. Nếu tỷ giá giảm, thì hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ, tăng gửi nội tệ, giảm sức ép đối với lạm phát.

Trong những năm qua, VND so với USD đã chuyển từ mất giá cao (trước năm 2017) sang mất giá ít hơn (2017-2019) và lên giá (nửa đầu năm 2022).

Nguyên nhân của quá trình chuyển dịch trên có nhiều. Có nguyên nhân quan trọng là lượng USD vào Việt Nam có quy mô lớn. Xuất siêu hàng hóa lớn từ năm 2016 đến nay, đạt 46 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt 7,02 tỷ USD. FDI thực hiện từ năm 2016 đến nay đạt 122,56 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt 18,86 tỷ USD. Vốn ODA giải ngân từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 14 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt khoảng 2,15 tỷ USD. Lượng kiều hối đạt khoảng 90 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt 13,8 tỷ USD. Xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 43,33 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt khoảng 6,7 tỷ USD…

Lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu. Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp ổn định tỷ giá thông qua 2 biện pháp chủ yếu: tỷ giá trung tâm, lãi suất gửi USD bằng 0%. Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. Nhờ vậy, cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện, dự trữ ngoại hối của quốc gia tăng nhanh trong mấy năm nay, đạt đỉnh khoảng 110 tỷ USD vào quý I/2022 - vượt ranh giới an toàn khi lớn hơn 3 tháng nhập khẩu.

Diễn biến khác biểu hiện ở 2 động thái trái chiều.

Động thái thứ nhất, giá USD tăng cao trên thế giới (khi USD-Index tăng từ dưới 90 điểm lên trên 105 điểm), trong khi giá USD ở Việt Nam đã giảm hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, nếu tính tháng sau so với tháng trước, thì giá USD ở Việt Nam đã tăng từ tháng 3/2022 và sau 6 tháng (tức là tháng 6/2022 so với tháng 12/2021, giá USD đã tăng 1,5%, hay VND đã mất giá 1,5% so với USD). Với sức ép của việc tăng lãi suất sẽ kéo theo giá USD tăng, người viết dự đoán giá USD tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 sẽ tăng trên 2,5%.

Động thái thứ hai, giá đồng nội tệ của nhiều đối tác lớn của Việt Nam (vốn có chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương nhỏ hơn của Việt Nam) lại tăng lãi suất, phá giá đồng nội tệ so với USD. Theo đó, VND lên giá so với các đối tác lớn này, dẫn đến sự thiệt thòi khi xuất khẩu vào các thị trường trên.

Ứng phó với sự lên giá của VND đối với các đồng nội tệ của các đối tác lớn và ngay cả với Mỹ như thế nào?

Tất nhiên, Việt Nam phải giảm giá VND so với USD. Việc giảm 1,5% sau 6 tháng đầu năm 2022 là cần thiết, nhưng người viết cho rằng, sự giảm giá của VND còn quá nhẹ, bởi một số lý do. Sau 6 tháng, Việt Nam xuất siêu, nhưng chỉ trong nửa đầu tháng 7 đã nhập siêu tới trên 2,01 tỷ USD, tính chung từ ngày 1/1 đến 15/7 đã nhập siêu 955 triệu USD. Diễn biến trên đã cảnh báo khả năng cả năm 2022 sẽ chuyển sang nhập siêu sau 6 năm liên tục xuất siêu. Do vậy, có thể giảm giá VND với mức độ lớn hơn (khoảng 3%). Tuy nhiên, không nên giảm nhiều hơn mức trên, bởi nếu VND mất giá lớn, với sự tăng lên của giá hàng nhập khẩu sẽ làm cho “nhập khẩu lạm phát” tăng, tạo sức ép tới CPI, làm tăng nợ bằng USD khi trả nợ bằng VND.

Riêng đối với các đối tác thương mại lớn, ngoài Mỹ, do các đối tác này giảm mạnh đồng nội tệ thì xuất khẩu sẽ gặp khó khăn hơn, nhập khẩu sẽ tăng. Do vậy, cần có nhiều giải pháp khác, như cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu; đẩy mạnh nội địa hóa, công nghiệp hỗ trợ; giảm tình trạng gia công, lắp ráp…

Tin liên quan
Tin khác