Thực ra, khi công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2017, Tổng cục Thống kê đã cho rằng, lạm phát đang được kiểm soát tốt. Thực tế, nếu chỉ nhìn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từng tháng so với tháng trước (từ tháng 1 tới tháng 3, lần lượt tăng 0,46%; 0,23% và tăng 0,21%), thì không có gì đáng lo. Ngay cả trong tháng Tết, tốc độ tăng CPI cũng chỉ ở mức vừa phải.
Thêm nữa, nếu so với cùng kỳ, CPI tháng 3/2017 cũng chỉ tăng 0,9% so với tháng 12 năm trước, một mức tăng khá thấp. Như thông lệ trước đây, đây là chỉ số được lấy làm chỉ số lạm phát của Việt Nam. Ba tháng, lạm phát chưa tới 1% thì có nghĩa rằng, lạm phát đang được kiểm soát tốt.
Lạm phát cao có thể đang quay trở lại với Việt Nam. |
Câu chuyện nằm ở chỗ, năm nay là năm đầu tiên, Việt Nam lấy chỉ số CPI bình quân để tính lạm phát. Theo cách tính mới này, lạm phát sau 3 tháng đang ở mức 4,96%.
Nếu so với mức CPI bình quân 3 tháng đầu năm của các năm 2008 - 2012 (tương ứng là 16,37%; 14,47%; 8,51%; 12,79% và 15,95%), thì mức tăng 4,96% của 3 tháng đầu năm nay rõ ràng là “không đáng lo”. Nhưng nếu so với 3 năm trở lại đây, thì câu chuyện đã khác. CPI bình quân của 3 tháng đầu năm 2014 chỉ là 4,83% và lần lượt ở các năm 2015 - 2016 là 0,74% và 1,25%. Điều này cho thấy, lạm phát cao có thể đang quay trở lại với Việt Nam.
Hơn thế nữa, trong mục tiêu điều hành kinh tế năm 2017, Chính phủ chỉ đặt chỉ tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%. Bình quân CPI 3 tháng đầu năm nay đã là 4,96%, tức là hiện đã cao hơn mục tiêu cả năm. Rõ ràng, đây là điều cần cảnh báo.
Trong bối cảnh đó, nhiều dự báo cho rằng, tình hình giá cả thị trường những tháng cuối năm sẽ diễn biến phức tạp hơn. Nếu như việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, như điện, nước, dịch vụ y tế… là hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định chủ quan, có nghĩa là có thể chủ động tăng giá ở mức bao nhiêu, ở vào thời điểm nào là hợp lý để tránh những tác động tiêu cực đối với CPI, thì biến động giá cả thị trường thế giới là khôn lường và Việt Nam không thể can thiệp.
Hiện tại, giá dầu trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng, tác động đáng kể đến giá nhiều loại hàng hóa khác. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã nhập siêu khá lớn trong quý đầu năm, lên tới 1,9 tỷ USD. Nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” là hoàn toàn có thể, nhất là khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam là khá lớn.
Thêm nữa, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất và có thể tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới cũng được xem là nhân tố tác động tới tỷ giá, lãi suất, qua đó tác động tới tốc độ tăng CPI của Việt Nam.
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý đầu năm ở mức khá thấp, chỉ ước đạt 5,1%, có thể sẽ có những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. Đây cũng là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam trong năm nay.
Do đó, dù lạm phát 3 tháng đầu năm vẫn đang được kiểm soát tốt, thì cũng không thể lơ là đối với những diễn biến phức tạp của giá cả thị trường những tháng cuối năm. Nếu không, lạm phát cao có thể quay trở lại, trong khi tăng trưởng chưa được như kỳ vọng.