Để chiêu đãi bạn bè trong tiệc tất niên vào Tết dương lịch vừa qua, anh T.V.H (50 tuổi, trú tại huyện Giao Thuỷ, Nam Định) đã mổ 1 con lợn, sau đó chế biến món ăn, trong đó có tiết canh. Một ngày sau, anh H có biểu hiện đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng, kèm sốt cao rét run, chân tay tím tái.
Ảnh minh họa. |
Người nhà đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thuỷ, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Lúc này, bệnh tình của anh đã rất nặng, được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, theo dõi liên cầu lợn, thở máy và chuyển lên tuyến trên.
Khi tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng ngừng tim, các bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực, tim đã đập trở lại, nhưng sau đó bệnh không cải thiện. Anh H. đã tử vong chỉ sau 5h được cấp cứu bệnh viện tuyến huyện lên đến tuyến Trung ương.
Đây là một trong những trường hợp tử vong rất nhanh do sốc nhiễm khuẩn của liên cầu lợn, có suy đa tạng, toan chuyển hóa và rối loạn đông máu nặng.
Năm 2023, cả nước ghi nhận hàng chục trường hợp phải nhập viện trong tình trạng "thập tử nhất sinh" do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
Các bác sĩ cho biết, tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn rất cao. Ngoài tiết canh lợn, có bệnh nhân sau khi ăn tiết canh dê liên hoan đã phải nhập viện vì đau bụng dữ dội, được chẩn đoán viêm ruột gây tắc ruột và phải phẫu thuật.
TS.Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khuyến cáo, những ngày Tết nhà nào cũng có cỗ, mổ lợn nhà nuôi hoặc mua chung một con lợn về liên hoan, bao giờ cũng có món tiết canh.
Nhiều người tưởng lợn nhà nuôi là an toàn, nhưng chúng ta không biết, vô tình con lợn đó nhiễm sán, hoặc nhiễm vi khuẩn liên cầu, nếu ăn thịt lợn chưa chín, ăn tiết canh dễ nhiễm sán và nhiễm liên cầu lợn.
Vì vậy, càng vào dịp Tết, người dân càng phải ăn chín, uống sôi, không nên ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống dưới mọi hình thức dù cho lợn khoẻ nhà nuôi.
Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…
Một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê,.. để bán ở các cửa hàng nhưng khi xét nghiệm vẫn ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn bao gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người.
Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy,.. khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.
Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Hiện nay bệnh này chưa có vắc-xin, vì thế để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết. Nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.
Người dân cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.
Thống kê của Bộ Y tế cách đây không lâu cho thấy khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.
Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.