Việc công ty đại chúng không lên sàn khiến cổ đông khó giám sát hoạt động của doanh nghiệp |
Hứa rồi… thất hứa
Tại nhiều diễn đàn, một thời ngành giao thông được nêu lên như một điển hình về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là tiến độ cổ phần hóa nhanh. Tuy nhiên, sau động thái nhanh chân chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là sự chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán ở nhiều doanh nghiệp.
Còn nhớ, ở thời điểm cổ phần hóa năm 2014, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) đã thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với mục đích nâng cao thương hiệu, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của Tổng công ty sau cổ phần hóa, tạo giá trị gia tăng cho các cổ đông, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn. Điều này đã mang lại kỳ vọng cho cổ đông về tính thanh khoản của cổ phiếu, cũng như cải thiện tính minh bạch về hoạt động của TEDI. Thế nhưng, gần 5 năm trôi qua, thời điểm lên sàn của TEDI vẫn mờ mịt.
Với kết quả kinh doanh mới nhất không mấy khả quan, con đường lên sàn của TEDI không biết kéo dài đến bao giờ? Theo báo cáo tài chính riêng - công ty mẹ, trong quý IV/2018, TEDI đạt 79,4 tỷ đồng doanh thu, 4,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ năm 2017 lãi hơn 10,8 tỷ đồng. Kết quả này khiến doanh thu và lợi nhuận cả năm 2018 của TEDI suy giảm so với năm 2017. Năm 2018, TEDI lãi 20,3 tỷ đồng, trong khi năm 2017 đạt 28,1 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán, bao giờ TEDI thôi thất hứa đưa cổ phiếu lên sàn, đại diện bộ phận công bố thông tin của TEDI cho hay, Tổng công ty chưa có kế hoạch cụ thể về đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, đồng thời từ chối giải thích lý do vì sao việc lên sàn bị trì hoãn kéo dài.
Tương tự, một doanh nghiệp ngành giao thông khác thất hứa với cổ đông về đưa cổ phiếu lên sàn là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco 1). Đáng nói là liên tiếp sau hai kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 và 2015 thông qua phương án niêm yết, đến kỳ đại hội đồng cổ đông năm 2016, Cienco 1 thêm một lần nữa thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên HNX, nhưng gần 3 năm trôi qua, Cienco 1 vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn.
Bộ phận công bố thông tin của Cienco 1 không giải đáp được câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán là bao giờ Tổng công ty đưa cổ phiếu lên sàn, hay từ bỏ ý định lên sàn? Là bộ phận phụ trách cổ đông, công bố thông tin, nhưng vị đại diện của Cienco 1 cho biết, đến thời điểm này, do chưa nắm được ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp, nên chưa có thông tin cung cấp cho báo chí.
Với hiện trạng công bố thông tin vừa thiếu, vừa chậm như thể hiện tại website của Cienco 1 (www.cienco1.com), có thể hiểu được phần nào lý do chậm trễ lên sàn chứng khoán của đơn vị này, vì khi lên sàn sẽ phải đối mặt với sức ép minh bạch thông tin liên tục theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Liên quan đến thông tin tài chính - một trong những thông tin quan trọng mà các cổ đông quan tâm, tại mục “Quan hệ cổ đông” của website Cienco 1, đến ngày 15/2/2019, kết quả hoạt động kinh doanh mới nhất được doanh nghiệp công bố là báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán. Các thông tin về hoạt động kinh doanh năm 2017 - 2018 chưa được công khai.
Cả TEDI và Cienco 1 đều nằm trong danh sách các doanh nghiệp chây ì đưa cổ phiếu lên sàn, bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) “bêu tên”.
Bị phạt vẫn chây ì lên sàn
Biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn hiện vẫn chủ yếu trông đợi vào chế tài xử phạt. Thực tế cho thấy, sau khi bị UBCK xử phạt, có doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng vẫn có những doanh nghiệp tiếp tục chây ì đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu.
Đầu năm 2018, UBCK đã phạt Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định 200 triệu đồng, do doanh nghiệp đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn từ trên 9 tháng. Sau đó, tháng 9/2018, toàn bộ 13,6 triệu cổ phiếu đã được Tổng công ty đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, với mã chứng khoán NDT.
Bị UBCK xử phạt gần thời điểm với Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định là Tổng công ty Cơ điện xây dựng - CTCP, ngày 8/5/2018 bị UBCK xử phạt 350 triệu đồng, do không đăng ký giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn.
Trả lời Đầu tư Chứng khoán, đại diện bộ phận công bố thông tin của Cơ điện xây dựng - CTCP cho biết, hiện chưa nắm được thông tin từ lãnh đạo Tổng công ty, nên không rõ thời điểm sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Cần tăng cường xử phạt
Tình trạng doanh nghiệp hậu cổ phần hóa dây dưa đăng ký giao dịch, niêm yết là một trong những hạn chế được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các bộ, ngành tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, do Bộ Tài chính tổ chức mới đây. Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trình Chính phủ điều chỉnh các cơ chế chính sách, giải pháp thúc đẩy trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán để vừa gia tăng quy mô của thị trường, đẩy mạnh tính công khai, minh bạch, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa…
Theo ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, UBCK, như công khai của UBCK vào cuối năm 2018, trong tổng số hơn 1.900 công ty đại chúng, đã có 1.523 công ty niêm yết, đăng ký giao dịch. Trong 403 công ty chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo quy định, có 218 công ty hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
“Hơn 400 doanh nghiệp đã đăng ký là công ty đại chúng với UBCK, nên trong phạm vi quản lý của mình, Ủy ban sẽ tăng cường các biện pháp xử lý nhằm tạo sức ép thúc đẩy doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định. Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền cũng được tăng cường để các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ của họ”, ông Điền nói.
Đại diện UBCK cho biết, riêng với 218 công ty đại chúng hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ngoài các giải pháp trên, cơ quan quản lý còn kiến nghị quy trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan trong việc chậm trễ đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu.
Trong vòng một 1 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Trước Thông tư 180, có một số văn bản pháp luật khác yêu cầu các đối tượng trên phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.