Doanh nghiệp
Canada thành thị trường xuất khẩu tỷ USD của dệt may
Thế Hải - 02/02/2021 16:38
Hiệp định Đối tác toàn diện, Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã đưa Canada trở thành thị trường xuất khẩu tỷ USD mới nhất của ngành dệt may Việt Nam.
Chủ động nguyên liệu thỏa mãn quy tắc xuất xứ sẽ giúp ngành dệt may tăng trưởng xuất khẩu Ảnh: Đức Thanh

“Thăng hạng” trên thị trường tỷ USD

Thương mại dệt may của Việt Nam với Canada, thị trường tiềm năng trong khối các nước tham gia CPTPP đã có bước nhảy vọt trong năm 2019, năm đầu tiên FTA thế hệ mới này đi vào thực thi.

Số liệu thống kê của Trademap thuộc Trung tâm thương mại thế giới (ITC) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2019 sang Canada lần đầu tiên đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2018. Kết quả này đã đưa Việt Nam vượt qua Campuchia để đứng thứ 3 về xuất khẩu hàng dệt may sang Canada (trước khi CPTPP có hiệu lực, thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Canada đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Bangladesh và Campuchia).

Việc có FTA với Canada, các nhà nhập khẩu tại đây đã để mắt tới đơn hàng với nhà cung ứng Việt Nam nhiều hơn. FTA này cũng giúp Việt Nam có lợi thế so sánh hơn với các quốc gia cùng xuất khẩu được lựa chọn trước đây như Bangladesh và Campuchia.

Với các cam kết thuế về 0% sau 3 năm mà Việt Nam được hưởng trong CPTPP (thuế chưa có CPTPP là 17-18%), Bangladesh và Campuchia sẽ không còn lợi thế cạnh tranh về thuế nhập khẩu vào Canada nhờ được hưởng GSP (thuế suất ưu đãi phổ cập) Canada dành cho các nước kém phát triển là 0%.

Năm 2020, mặc dù chịu tác động của Covid-19, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Canada gần như không thay đổi (chỉ giảm 2%, phần lớn là giảm vải kỹ thuật, nhưng về kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc không đổi trong khi xuất khẩu toàn ngành may mặc giảm 9,5%).

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, trong số các thành viên CPTPP, Canada được đánh giá là thị trường tiềm năng, chỉ đứng thứ 2 sau Nhật Bản.

“Ước tính, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm về xuất khẩu hàng dệt may nước ta sang Canada trong 5 năm qua là 11,8%, tốt hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của ngành dệt may. Đặc biệt, quy mô nhập khẩu lên tới 14 tỷ USD tại Canada chính là dư địa cho dệt may Việt Nam mở rộng thị phần, khi hiện nay Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8% thị phần”, ông Trường kỳ vọng.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam và Canada ký kết, có hiệu lực đối với Canada vào ngày 30/12/2018 và đối với Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Với những cam kết về cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi thương mại, 2 năm qua, các doanh nghiệp đã khai thác đơn hàng xuất khẩu sang Canada hiệu quả.

Trước và ngay khi CPTPP đi vào thực thi một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp lớn đã tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường Canada để kết nối trực tiếp với các nhà nhập khẩu. Lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn  như May 10, Hanosimex, Hòa Thọ, Dệt May Huế, Dệt kim Đông Xuân… đã đến Canada để đàm phán với các đối tác, mở đường cho giao dịch thương mại dệt may.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, những chuyến đi gặp khách hàng 1-1 đã giúp nhà cung ứng hiểu rõ được nhu cầu và cách thức nhập khẩu của thị trường Canada. Doanh nghiệp kỳ vọng có thêm đơn hàng, tăng giá trị xuất khẩu, tận dụng ưu đãi từ CPTPP, nhưng mục tiêu lớn hơn là tiếp cận được các kênh phân phối lớn của Canada, cắt giảm khâu trung gian.

“Bỏ túi” hàng trăm triệu USD

Không chỉ là tăng trưởng xuất khẩu thể hiện qua con số, đưa Canada gia nhập các thị trường lớn nhập khẩu hàng tỷ USD hàng dệt may Việt Nam, lợi ích lớn hơn nhờ CPTPP chính là những đồng ngoại tệ bỏ túi có được nhờ cam kết ưu đãi thuế quan được thực thi.

Ngay từ 14/1/2019, khoảng 42,9% lượng hàng dệt may xuất khẩu sang Canada đã được cắt giảm thuế từ mức 17-18% về 0%. Từ năm thứ 4 trở đi, 100% thuế được xóa bỏ về 0%, và mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang thị trường này.

Theo tính toán, Việt Nam có thể tiết kiệm 100 triệu USD nhờ thuế về 0%, giúp gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada.

Tất nhiên, để có lợi thế nhờ thuế giảm về 0%, các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ quy định trong CPTPP, là thỏa mãn nguyên liệu sản xuất từ khâu sợi trở đi.

Năng lực xuất khẩu đã vượt 40 tỷ USD/năm, nhưng điểm yếu nhất của dệt may lại nằm ở khâu sản xuất nguyên liệu, đây là hạn chế khiến hàng xuất khẩu sang các thị trường CPTPP khó có được mức thuế 0%. Hiện Việt Nam có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ một số mặt hàng như quần áo dệt kim, quần âu, sơ mi. Với những sản phẩm có giá cao như áo khoác mùa đông, đồ thể thao, tỷ lệ đạt xuất xứ thấp.

Lối thoát để thỏa mãn quy tắc xuất xứ là phải mua sợi, vải từ các quốc gia thành viên CPTPP, nhưng phương án này được cho là không khả thi, bởi phần lớn vải, sợi đã và đang được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Lượng vải, sợi nhập từ Singapore, Nhật Bản còn rất ít. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng, nhưng mức độ thỏa mãn quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế 0% của từng doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không giống nhau.

Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng, Việt Nam đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương với Canada. Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu 2019 được coi là “đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa hai nước”. Với ngành dệt may, sự chủ động của doanh nghiệp về nguyên liệu để đáp thỏa mãn quy tắc xuất xứ, sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng giá trị nhỏ…sẽ giúp các doanh nghiệp rộng đường tăng trưởng xuất khẩu trong những năm tới.

Theo ông Hoàn, nhiều doanh nghiệp Canada đang có xu hướng tìm nguồn cung ứng mới, ngoài Trung Quốc, trong đó Việt Nam là sự lựa chọn đáng kể nhờ năng lực cung ứng tốt và FTA đã có với Canada.

Tin liên quan
Tin khác