Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi đạt hơn 800 triệu USD, tăng gần 17% so với 2019 |
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong năm 2020. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2020 đạt 800,78 triệu USD, tăng 16,98% so với năm 2019.
Ba thị trường tiêu thụ thức ăn chăn nuôi lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Campuchia và Mỹ, với tỷ trọng trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của cả nước.
Cụ thể, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang Trung Quốc đạt 211,23 triệu USD, chiếm 26,38% tổng kim ngạch, tăng 15,68% so với năm 2019; sang Campuchia đạt 122,32 triệu USD, tăng 23,15%; sang Mỹ đạt 114,5 triệu USD, tăng mạnh 125% so với năm 2019.
Bộ Công Thương đánh giá, xuất khẩu mặt hàng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2020 xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt đều tăng kim ngạch so với năm trước đó. Tuy nhiên, cũng có nhiều thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm như: Nhật Bản (-26,65%) đạt 26,19 triệu USD; Hàn Quốc (-18,54%) đạt 18,55 triệu USD; Indonesia (-33,29%) đạt 10,16 triệu USD…
Với năng lực sản xuất đang tiếp tục được củng cố nhờ vào các dự án đầu tư mới và mở rộng của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoại dẫn dắt thị trường, năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng phình to, sẽ sớm đưa mặt hàng này gia nhập CLB các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu so mức xuất khẩu với với mức nhập khẩu hàng năm của mặt hàng này, giá trị xuất khẩu hiện chỉ chiếm tỷ trọng gần 1/5 nhập khẩu. Ước tính sơ bộ, chi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi năm 2020 lên tới 3,9 tỷ USD.
Theo báo cáo của Grand View Research, những năm gần đây, ngành thức ăn chăn nuôi tăng trưởng và phát triển khá tốt với mức tăng trung bình đạt 13-15%/năm, sản lượng công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu công bố năm 2019 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn, nếu cộng cả thức ăn thủy sản con số này có thể lên tới trên 30 triệu tấn.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%).