Tiêu dùng
Thị trường thức ăn chăn nuôi: Khối ngoại chiếm ưu thế
Thế Hoàng - 13/12/2020 09:03
Với quy mô xấp xỉ 10 tỷ USD trong năm 2020, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang là “mảnh đất” màu mỡ, song các doanh nghiệp nội vẫn đang bị đối thủ ngoại lấn át.
Tuy số lượng nhiều hơn, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu hơn về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp ngoại.

Doanh nghiệp ngoại thể hiện sức mạnh

Theo báo cáo của Grand View Research, những năm gần đây, ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam tăng trưởng khá tốt với mức tăng trung bình đạt 13 - 15%/năm, sản lượng công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu công bố năm 2019 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn, nếu cộng cả thức ăn thủy sản, con số này có thể lên tới trên 30 triệu tấn.

Với mức sản lượng lớn và ngày càng tăng trưởng, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã hội tụ đủ “anh tài”, là những tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia đến đặt trụ sở sản xuất lớn và chiếm lĩnh thị trường, như Cargill, C.P., De Heus, Japfa…

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sản xuất thức ăn chăn nuôi là một trong những ngành thu hút đầu tư cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi có nhiều tiềm năng phát triển.

De Heus Việt Nam (thuộc Tập đoàn De Heus - Hà Lan), chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho gia súc, gia cầm và thủy sản, đang sở hữu 9 nhà máy và hệ thống kho trung chuyển hoạt động trên khắp cả nước.

Doanh nghiệp này chọn cách thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua mua lại 2 nhà máy ở Bình Dương và Hải Phòng vào năm 2008 và đưa sản phẩm đầu tiên ra thị trường sau đó 1 năm. Đến nay, De Heus đã nằm trong top 3 công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất, đồng thời là công ty phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.

Hai doanh nghiệp lớn khác là C.P và Cargill cũng thống lĩnh thị phần đáng kể trên thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước. Riêng C.P. Việt Nam có 10 nhà máy thức ăn chăn nuôi và thủy sản; 5 nhà máy chế biến thực phẩm thịt và thủy sản; hơn 3.000 trang trại chăn nuôi hợp tác đầu tư xây dựng cùng nông dân, doanh thu năm 2019 vượt mức 2,8 tỷ USD.

Cách nào để doanh nghiệp nội giành thị phần?

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện ở Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (68%).

Tuy số lượng nhiều hơn, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu hơn về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp ngoại, khi chỉ nắm giữ khoảng 35% thị phần.

Đáng chú ý là, thị phần này cũng đang có nguy cơ sụt giảm trước sự mở rộng về quy mô, số lượng doanh nghiệp cũng như sản lượng của doanh nghiệp ngoại. Không chỉ vượt trội về thị phần, các doanh nghiệp nước ngoài đều có chiến lược kinh doanh bài bản với chuỗi sản xuất, kinh doanh khép kín.

Áp lực này buộc các doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng thay đổi chiến lược sản xuất và kinh doanh, nếu muốn giành lại thị phần từ các đối thủ có vốn nước ngoài.

Có thể thấy, một trong những điểm hạn chế khiến doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nội hụt hơi trong cuộc cạnh tranh trên sân nhà là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu. Thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Đây là nguyên nhân khiến giá sản phẩm chăn nuôi trong nước cao và khó cạnh tranh so với hàng nhập.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2020, Việt Nam đã chi hơn 3,2 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2019, con số này là 3,71 tỷ USD.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài rất mạnh về nguồn vốn, nên thường dự trữ một lượng lớn nguyên liệu chế biến, nên kiểm soát giá nguyên liệu tốt hơn. 

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm tới ghi nhận: 57,1% doanh nghiệp đánh giá sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng; 28,6% đánh giá tăng trưởng khả quan và chỉ có 14,3% đánh giá tăng trưởng thấp hơn một chút.

Nhóm nghiên cứu khảo sát của Vietnam Report cho rằng, để vươn lên giành thị phần trên sân nhà, các doanh nghiệp trong ngành phải tìm cách thoát khỏi khủng hoảng, tái cơ cấu hoạt động, chú trọng hơn công tác an toàn sinh học, gồm nghiên cứu đa dạng các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hữu cơ, đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn sinh học; tăng cường liên kết chặt chẽ với các trang trại, hộ chăn nuôi, phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer); tiếp tục phát triển, mở rộng kênh phân phối; đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế…

Sân chơi không dành cho doanh nghiệp mỏng vốn

Trước sự lấn át của khối ngoại, thời gian gần đây, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước như Hòa Phát, Hùng Vương, Vingroup… đã đổ vốn vào mảng thức ăn chăn nuôi, nhằm giành lại thị phần trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Đơn cử, Tập đoàn Hòa Phát đang vận hành 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 600.000 tấn/năm.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long từng chia sẻ, lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi rất thiết yếu với đời sống, nhu cầu ngành này còn lớn. Mục tiêu của Công ty trong thời gian tới sẽ đạt tối đa công suất 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm. Sân chơi thức ăn chăn nuôi không dành cho những doanh nghiệp mỏng vốn, vì đây là lĩnh vực chậm hoàn vốn, tỷ lệ lợi nhuận biên khá thấp. Vì vậy, để cạnh tranh được với các đối thủ ngoại, các doanh nghiệp nội cần có đủ “sức khỏe”, trường vốn...
Tin liên quan
Tin khác