Doanh nghiệp
Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam
Thế Hải - 05/12/2020 11:54
Danh sách top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020 mà Vietnam Report vừa công bố, các vị trí đứng đầu đều thuộc về các công ty nước ngoài, đứng đầu là C.P. Việt Nam.
Thị trường thức  Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Na măn chăn nuôi Việt Nam đang do khối ngoại nắm giữ.

Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố danh sách top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020, theo đó, các vị trí đứng đầu đều thuộc về các công ty nước ngoài.

5 vị trí dẫn đầu top 10 lần lượt thuộc về: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Des Heus và Công ty CP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CP Greebfeed Việt Nam. 

TOP 10 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi uy tín do Vietnam Report công bố.

Việt Nam có 4 doanh nghiệp lọt Top 10 gồm: Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam -  Công ty CP; Công ty TNHH MTV Thức ăn thủy sản Mêkong; Công ty CP Dinh dưỡng Hồng Hà.

Thứ tự xếp hạng này cho thấy các doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế trên thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia vốn được xem là có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, tuy nhiên nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông nghiệp.

Trong khi đó, TACN lại chiếm hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi, nên khi giá nguyên liệu chế biến vừa tăng, giá TACN lập tức sẽ tăng theo.

Điều này dẫn đến giá TACN trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới và sản phẩm chăn nuôi nội địa cũng khó cạnh tranh về giá so với hàng nhập. Các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về nguồn vốn nên thường dự trữ sản lượng lớn nguồn nguyên liệu trong chế biến, nhờ vậy mà kiểm soát giá nguyên liệu tốt hơn và thị trường thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu bị chi phối bởi một số công ty lớn.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.

Cụ thể, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 65% thị phần, 35% thị phần còn lại do doanh nghiệp trong nước nắm giữ. Số thị phần này vẫn đang có nguy cơ sụt giảm trước sự mở rộng về quy mô, số lượng doanh nghiệp cũng như sản lượng của doanh nghiệp ngoại do tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do các doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược kinh doanh bài bản với chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn thiếu sự liên kết.

Chỉ tính riêng năm 2019, khi Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đã có 5,7 triệu con lợn bị tiêu hủy, bằng khoảng 10% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn khiến các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc giảm mạnh công suất hoạt động do nhu cầu thức ăn sụt giảm.

Các tập đoàn lớn, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn không nhỏ nhưng họ vẫn chống cự được vì có nguồn vốn lớn, lại xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu đầu của quy trình sản xuất đến tận bàn ăn người tiêu dùng.

Một hạn chế nữa đang khiến doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nội kém tính cạnh tranh là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Đây là nguyên nhân khiến giá sản phẩm chăn nuôi trong nước luôn cao và khó cạnh tranh so với hàng nhập vì thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi, nên khi giá nguyên liệu chế biến vừa tăng, giá thức ăn chăn nuôi lập tức tăng theo.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã chi hơn 3,2 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Đánh giá về triển vọng ngành thức ăn chăn nuôi, theo Vietnam Report là khá tiềm năng. Theo OECD, Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn thịt Việt Nam là động lực chính của ngành thức ăn chăn nuôi trong nước. Mặc dù giá thịt lợn có nhiều áp lực giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao so với năm trước. Với mức giá có lợi này, nông dân có động lực để khởi động lại doanh nghiệp và các trang trại thương mại để xây dựng lại đàn lợn của họ bằng các biện pháp an toàn sinh học tốt trong điều kiện có khả năng dịch tả tái phát.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm tới, đã ghi nhận: 57,1% doanh nghiệp đánh giá sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng; 28,6% đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút và chỉ có 14,3% tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút.

USDA dự báo, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng trưởng kép hàng năm 5,06% trong giai đoạn dự báo để đạt quy mô thị trường 12.270 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 9.124 tỷ USD vào năm 2019.


Tin liên quan
Tin khác