Ngân hàng
Căng mình với lãi suất, tín dụng
Hà Tâm - 29/12/2022 13:06
Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên đã được ngân hàng giảm lãi suất, trong khi phần đông doanh nghiệp còn lại vẫn bị “neo” ở lãi suất cho vay cao trong bối cảnh ngân hàng chưa hết khát vốn.
Không chỉ lãi suất ngân hàng cao, mà việc tiếp cận vốn vay cũng không đơn giản với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Lãi vay mới bắt đầu giảm nhỏ giọt

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan - một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Vĩnh Phúc phấn khởi cho hay, Công ty vừa được Agribank giảm lãi suất cho vay 1,3% (từ 9,5% còn 8,2%/năm).

“Lãi suất tăng cao thời gian qua quả thực rất khó khăn cho doanh nghiệp. Rất may, chúng tôi được ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ rất kịp thời. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì không kham nổi chi phí sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra lại khó khăn như hiện nay”, ông Hòa cho biết.

Những tuần gần đây, một số doanh nghiệp đã được các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tuy vậy, các doanh nghiệp được giảm lãi vay chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên và là khách hàng của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV).

Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp vay vốn khối ngân hàng TMCP tư nhân vẫn chưa được giảm lãi suất, hoặc được giảm không đáng kể.

Ông Nguyễn Phúc Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất lên tới 15-16%/năm, thậm chí cao hơn. Chi phí vốn và chi phí đầu vào khác (nguyên vật liệu, nhân công… ) đều tăng cao, trong khi đầu ra tăng chậm, dòng tiền âm, khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm 80% lao động.

Trước việc “tố khổ” của doanh nghiệp, lãnh đạo một ngân hàng TMCP phân bua, ngân hàng này đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay, song không thể áp dụng với tất cả khách hàng và tất cả khoản vay, bởi nguồn lực có hạn. “Ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất cho vay nếu lãi suất huy động giảm đi, song thực tế, lãi suất huy động mới dịu đi vài phần, nguồn vốn huy động của ngân hàng vẫn khá căng”, vị lãnh đạo này cho biết.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hà Nội cũng khẳng định, lãi suất điều hành tăng 2 lần năm 2022 có tác động truyền dẫn đến lãi suất cho vay, nhưng đây là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh NHNN đồng thời phải tập trung điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Ông Tuấn mong nhận được sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong công văn mới ban hành, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng kêu gọi các thành viên đồng thuận giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, đã bao gồm khuyến mãi. Tuy vậy, theo các chuyên gia phân tích, quá trình đưa lãi suất huy động từ 10 đến 12%/năm về 9,5%/năm sẽ phải tiến hành từ từ, bởi thanh khoản ngân hàng không đồng đều. Do đó, việc hạ lãi suất cho vay cũng sẽ diễn ra từ từ, tùy nội lực của từng ngân hàng.

Áp lực lãi suất, tín dụng vẫn còn rất lớn

Bên cạnh nỗi lo lãi suất cho vay tăng cao, nhiều doanh nghiệp cho biết, nỗi lo lớn nhất là khó tiếp cận vốn. Nhiều doanh nghiệp đã được ngân hàng cảnh báo, năm 2023, tình trạng khan vốn sẽ còn tiếp tục, thậm chí còn căng thẳng hơn năm nay, đồng nghĩa lãi suất cho vay khó có thể sớm hạ nhiệt.

Lãi suất tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp, song cũng phải nhìn nhận, các ngân hàng cũng rất khó khăn, khi chi phí đầu vào tăng, rủi ro nợ xấu cũng tăng. Trong bối cảnh đó, việc một số ngân hàng chấp nhận giảm hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi vay, chia sẻ với doanh nghiệp là nỗ lực lớn cần khuyến khích.

- TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Bất chấp Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kêu gọi giảm lãi suất huy động, tính đến đầu tuần này, nhiều ngân hàng vẫn huy động vốn với lãi suất cao, từ 10% đến hơn 12%/năm cho kỳ hạn 6-12 tháng, tiêu biểu là NCB, SHB, PVComBank, OCB, SeABank…

Lãnh đạo Tổng công ty May 10 cho hay, doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn chưa từng có, như thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng, lãi suất cho vay tăng nhanh làm chi phí vốn tăng cao. Dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài trong nửa đầu năm 2023, nên May 10 đề nghị NHNN cần có giải pháp ổn định lãi suất, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi với doanh nghiệp xuất khẩu… để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn.

Để hỗ trợ các ngân hàng có thêm dư địa hạ lãi suất, thời gian gần đây, NHNN cũng bơm thêm thanh khoản cho thị trường thông qua thị trường mở. Mặc dù vậy, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, kiêm Điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) của VinaCapital cho rằng, NHNN sẽ hỗ trợ nền kinh tế một cách từ từ, không có chuyện bơm tiền ào ạt ra nền kinh tế. Thực tế, lãi suất huy động vẫn neo cao ở một số ngân hàng có mức thanh khoản kém và tốc độ hạ lãi suất có thể sẽ diễn ra chậm hơn so với dự kiến.

Xu hướng tăng lãi suất trên thế giới năm 2023 cũng là rào cản đối với nỗ lực giảm lãi suất trong nước. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố ý định giảm lãi suất cho vay, bắt đầu từ năm 2024, song điều này cũng có nghĩa lãi suất của Mỹ vẫn sẽ tăng trong năm 2023.

Trong Báo cáo Kinh tế châu Á mới cập nhật, HSBC cho rằng, việc Fed nhiều khả năng giảm tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất làm áp lực tỷ giá ngoại tệ dịu bớt. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tăng càng chứng minh chu kỳ tăng lãi suất của NHNN vẫn đang trên đà diễn ra. “Chúng tôi dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ sở trong quý I/2023 và quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023”, báo cáo của HSBC nhận định.

Một số chuyên gia phân tích cũng cho rằng, lãi suất sẽ đạt đỉnh vào giữa năm 2023, rồi hạ nhiệt dần. Trong bối cảnh này, NHNN có thể sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành năm 2023 để hỗ trợ nền kinh tế, trên cơ sở lạm phát vẫn ở mức thấp và áp lực tỷ giá giảm đáng kể.

Dù lãi suất điều hành có tăng hay không, thì lãi suất và room tín dụng vẫn là câu chuyện nóng nhất năm 2023 với doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác