Một điểm giao dịch của Propzy tại TP.HCM. Ảnh: H.V |
Tăng tốc
Đầu tháng 6 vừa qua, Công ty Propzy - một công ty công nghệ trong lĩnh vực bất động sản - đã công bố khoản gọi vốn vòng A trị giá 25 triệu USD với sự tham gia của 2 nhà đầu tư mới là Gaw Capital và Softbank Ventures Asia (quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn Softbank, chuyên đầu tư vào các công ty trong giai đoạn đầu).
Tập khách hàng Propzy hướng đến là phân khúc nhà 2 - 3 tỷ đồng, chiếm phần lớn nhu cầu của thị trường.
Theo phong cách từ trước đến giờ, các công ty được đầu từ các quỹ trực thuộc Tập đoàn Softbank sẽ được rót vốn nhằm bành trướng mạng lưới trong thời gian nhanh nhất.
Propzy cũng không phải ngoại lệ. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty có 30 địa điểm giao dịch (chủ yếu ở TP.HCM), với 400 nhân viên bán hàng. Theo thông tin từ Techcruch, trong 18 tháng tới, Công ty dự kiến tăng lên 70 điểm giao dịch trên toàn quốc với 1.300 nhân viên bán hàng.
Để so sánh tốc độ phát triển của Propzy thần tốc như thế nào kể từ khi có sự góp mặt của Softbank, có thể so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, như DKRA thành lập năm 2011 hiện có hơn 300 nhân viên, hay CENLAND mất 19 năm để có khoảng 3.000 nhân viên.
Rủi ro từ chính Softbank
Gần một thập kỷ qua, các quỹ đầu tư dưới sự quản lý của Softbank đã dùng tiền đưa các công ty họ đầu tư chiếm lĩnh thị phần, thu hút người dùng, bỏ xa các đối thủ cùng ngành, dù mô hình kinh doanh của các công ty này chưa chứng minh được tính hiệu quả.
Tuy nhiên, các thương vụ đình đám một thời như nền tảng chia sẻ xe Uber, nền tảng chia sẻ văn phòng WeWork và gần đây nhất là chuỗi khách sạn công nghệ giá rẻ OYO đã không thể tạo ra giá trị như mong muốn của các nhà đầu tư hoặc liên tục gặp rắc rối về sản phẩm, dịch vụ.
Nhiều nhà đầu tư nhận ra, dường họ đang tham gia cuộc chơi tài chính của Softbank khi đầu tư vào các công ty công nghệ có giá trị không tương xứng với định giá. Người càng đến sau, rủi ro càng lớn.
Với phong cách đầu tư tất tay như các thương vụ trước của Softbank, giới kinh doanh cũng đang thắc mắc các động thái tiếp theo của Propzy ở thị trường Việt Nam.
Năm 2018, Propzy triển khai phần mềm quản lý chung cư mang tên TAP. Đây là thị trường phụ thuộc vào lợi thế quy mô và đòi hỏi các công ty cung cấp dịch vụ phải là đơn vị từng vận hành tòa nhà, nên TAP của Propzy không thể cạnh tranh với các công ty trong lĩnh vực này.
Propzy giờ đây tập trung vào việc cho thuê, mua bán căn hộ. Hai doanh nghiệp cùng lĩnh vực này cũng đã được đầu tư để mở rộng thị phần, như Rever được đầu tư 4 triệu USD từ VinaCapital Ventures, còn Hoozing mới được đầu tư vòng pre-A từ Quỹ SmileGate Investment (Hàn Quốc) hồi đầu năm nay.
Ông Phan Nhật Minh, đồng sáng lập Rever cho biết, mảng phân phối sơ cấp đang tăng trưởng tốt, trong khi với mảng thứ cấp, Công ty đang đưa vào các tính năng mới như đề xuất giá mua trên online. Rever tập trung ở các quận 2 và 7, nơi ghi nhận các giao dịch tăng cao trong thời gian qua.
Tương tự, Hoozing cũng đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh từ việc cho thuê nhà vì sau dịch, khách hàng có nhu cầu thuê để giữ dòng tiền hơn là mua nhà. Ông Lê Huỳnh Nhật Hải, đồng sáng lập Hoozing cho biết, sau 5 năm, Công ty đã có hệ thống hơn 50.000 dữ liệu khách hàng và trong năm nay, Công ty tập trung vào mảng phân phối sơ cấp và thứ cấp.
“Chúng tôi đang phát triển ứng dụng mua bán dựa trên tập khách hàng này. Vì thế, việc mở rộng ít tốt kém hơn”, ông Hải nói.
Tập khách hàng của Hoozing và Rever hướng đến là các sản phẩm có mức giá trên 3 tỷ đồng. Trong khi đó, Propzy nhắm vào phân khúc lớn hơn của thị trường, với các sản phẩm dưới 3 tỷ đồng. Để có lãi, Công ty phải có quy mô giao dịch lớn và bài toán mở rộng là điều khó tránh khỏi, nhưng kèm theo đó là các rủi ro về thị trường và khả năng quản lý.
Một cựu nhân sự cao cấp của Propzy cho biết, khác với thị trường bất động sản ở Mỹ, khi tất cả các khâu liên quan như giao dịch, pháp lý, quy hoạch đều được số hóa, thì ở Việt Nam, số hóa chỉ mới diễn ra ở đầu các doanh nghiệp môi giới công nghệ, trong khi yếu tố đẩy nhanh quá trình lại nằm ở các cơ quan nhà nước.
Chính vì thế, quá trình mua bán bất động sản vẫn cần thời gian nhất định và việc mở rộng ở đầu các công ty môi giới bất động sản công nghệ là chưa đủ sức thúc đẩy toàn bộ tiến trình giao dịch. Thậm chí, việc mở rộng có thể là rủi ro cho chính doanh nghiệp đó.
Đó là chưa kể, các doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng bắt đầu đầu tư công nghệ vào khâu môi giới như Vinhomes với Vinhomes Online, Sunshine Group với Sunshine App, khiến thị trường cạnh tranh hơn.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá thương vụ Softbank đầu tư vào Propzy, song Propzy sẽ khó thành công như kỳ vọng, đặc biệt khi thông tin bất lợi nhắm vào Softbank đang ngày càng nhiều.