Y tế - Sức khỏe
Cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh lý tim mạch những ngày nắng nóng
D.Ngân - 02/06/2023 12:14
Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh lý tim mạch trong những ngày nắng nóng.
TIN LIÊN QUAN

Nguy cơ tim mạch

Theo Ths.Bs Trần Quốc Quý, Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, tiếp xúc với nhiệt độ cao không chỉ làm tăng nguy cơ kiệt sức và đột quỵ do nhiệt, mà còn có thể gây gánh nặng cho sức khỏe tim mạch.

Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh lý tim mạch trong những ngày nắng nóng.

Nhiệt độ cao tạo áp lực lên hệ tim mạch bởi tình trạng mất nước qua mồ hôi cũng như nhiệt độ cao khiến cho nhịp tim tăng đáng kể và tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) và thậm chí là suy tim.

Thời tiết nắng nóng làm cơ thể bài tiết ra nhiều mồ hôi gây nên tình trạng mất nước, mệt mỏi, chuột rút, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nếu không xử trí kịp thời người bệnh dễ bị tắc nghẽn mạch máu, nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Ngoài ra, người có sức đề kháng kém dễ mắc phải một số bệnh như: Tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn tiêu hóa. Trẻ nhỏ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, sốt phát ban, ngộ độc thức ăn, chân - tay - miệng.

Riêng với người cao tuổi, theo bác sĩ Nguyễn Liên Hạnh, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết nắng nóng, ra nhiều mồ hôi, người cao tuổi lại thường quên uống nước nên rất dễ dẫn đến mất nước, điện giải, táo bón, nặng có thể gây lú lẫn, hôn mê, trụy tim mạch và tử vong. 

Khi nắng nóng, người cao tuổi rất dễ chán ăn gây ra tình trạng thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng dẫn đến hạ đường huyết, suy dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, các thói quen ăn các loại chè ngọt, nước giải khát, hoa quả ngọt vào mùa hè cũng gây tăng nguy cơ táo bón, tăng đường huyết ở người cao tuổi. Ăn nhiều đồ lạnh cũng có thể khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, gây viêm họng và cảm lạnh. 

Mùa nắng nóng, thực phẩm không được bảo quản đúng cách dễ bị ôi, thiu cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc ở người cao tuổi. 

Dinh dưỡng khoa học

Để bảo vệ sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo người dân chú ý sắp xếp không gian nhà ở, nơi làm việc bảo đảm thoáng mát, sử dụng quần áo bảo hộ lao động, mũ, găng tay, kính râm, mặc quần áo rộng, dễ thấm mồ hôi. Nếu phải lao động ngoài trời nên điều chỉnh giờ làm việc hợp lý. 

Buổi sáng có thể làm việc sớm và nghỉ sớm, buổi chiều làm việc sau 14 giờ để tránh lúc nắng nóng đỉnh điểm tác động bất lợi đến sức khỏe; hạn chế thấp nhất việc để nắng nóng tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể, nhất là vùng đầu, vai, gáy.

Người dân lưu ý thường xuyên uống đủ nước, thực hiện ăn chín, uống sôi, thức ăn dạng lỏng, mềm; hạn chế đồ cay, nóng, dầu mỡ. 

Những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn.

Khi gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà người dân cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. 

Với mức độ nhẹ cần chuyển ngay bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng gió; nới lỏng quần áo. 

Cho bệnh nhân uống nước từng ngụm nhỏ, tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol. Trường hợp mức độ nặng cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị.

Người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài. 

Người dân cần uống tối thiểu 1,5 đến 2 lít nước/ngày, uống thành nhiều lần trong ngày, chú ý luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe để nâng cao sức đề kháng.

Còn theo bác sĩ của Bệnh Viện Lão khoa Trung ương, với người cao tuổi chế độ dinh dưỡng khoa học là cần thiết để bảo đảm sức khoẻ.

Cụ thể người cao tuổi cần uống đủ khoảng 1,5 đến 2 lít/ngày, uống chia nhỏ nhiều lần trong ngày, uống từ từ ít một, uống ngay cả khi không khát, hạn chế nước ngọt, nước uống có ga, có cồn, nước lạnh. 

Người cao tuổi cần được cung cấp đủ năng lượng và cân đối các chất dinh dưỡng. 

Cụ thể, với người cao tuổi có cân nặng khoảng 40-45kg, ăn 4-5 bữa/ngày, lượng ăn cho bữa chính khoảng một bát con cơm, thịt/ tôm/ cá khoảng 80gram; và dầu ăn khoảng 5ml, rau, củ 1 bát con. Bữa phụ gồm hoa quả: 200gram hoặc sữa: 200ml;

Bác sĩ Hạnh cũng khuyến cáo cần chế biến phù hợp theo thói quen, sở thích ăn uống, khả năng dung nạp (cắt nhỏ, mềm, nhừ), hương vị thơm ngon, trình bày đẹp mắt, lựa chọn và bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh, hạn chế các thực phẩm nhiều ngọt, nhiều muối, 

Đối với người cao tuổi chán ăn, suy dinh dưỡng cần chia nhỏ bữa ăn, bố trí giờ ăn hợp lý, đúng giờ hàng ngày; ăn từ từ chậm rãi. tăng dần lượng thức ăn và đậm độ năng lượng, tạo không khí vui vẻ, ấm cúng trong bữa ăn.

Bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 thì khuyến cáo, người dân cần theo dõi dự báo thời tiết để biết được những thời điểm đặc biệt nắng nóng và nên ở trong nhà vào những ngày đó. 

Nếu nhiệt độ trong nhà quá nóng, có thể đến các cơ sở y tế hoặc bất cứ nơi nào gần nhất có điều hòa không khí. "Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, buổi tối và sáng sớm thường là thời điểm mát mẻ nhất trong ngày. Nghỉ ngơi trong bóng râm bất cứ khi nào có thể”, bác sĩ Quý khuyến cáo.

Bên cạnh đó, cháy nắng ảnh hưởng đến khả năng hạ nhiệt của cơ thể và làm tăng tình trạng mất nước. Đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mặc quần áo nhẹ, sáng màu, rộng rãi. 

Ngoài ra, thoa nhiều kem chống nắng phổ rộng hoặc kem chống tia UVA / UVB có SPF 30 trở lên cho tất cả vùng da tiếp xúc với nắng 30 phút trước khi ra ngoài. Nên bôi lại mỗi giờ sau khi ra ngoài.

“Với người mắc bệnh lý tim mạch, cần lưu ý khi các triệu chứng trở nên nặng hơn (khó thở, đau tức ngực, hồi hộp trống ngực, thậm chí ngất…) trong những ngày hè nắng nóng thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để phát hiện nhanh chóng và xử trí kịp thời các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra, tránh để lại hậu quả nặng nề sau này”, bác sĩ Quý lưu ý.

Tin liên quan
Tin khác