Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ chính thức áp mức thuế cao “trong dài hạn” đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ |
Câu chuyện ở đây không đặt ra với riêng mặt hàng nhôm và thép, với mức thuế tương ứng dự kiến được áp dụng là 25% và 10%, mà còn với nhiều mặt hàng khác, nhất là khi xu hướng bảo hộ thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Kể từ khi lên nắm quyền vào đầu năm ngoái, Donald Trump, vị tổng thống luôn muốn chống lại tự do thương mại đã tuyên bố thực hiện nhiều biện pháp tự vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Gần đây nhất là việc Mỹ áp thuế tự vệ với sản phẩm máy giặt, pin năng lượng mặt trời… nhập vào nước này.
Nếu Mỹ tạo ra một làn sóng bảo hộ thương mại, thì xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Đứng trên bình diện khác, câu chuyện trên không chỉ liên quan tới thương mại song phương Việt - Mỹ. Sau tuyên bố mới đây của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế tự vệ thương mại đối với nhôm và thép nhập khẩu, các chuyên gia đã nói về những rủi ro của một cuộc chiến thương mại, khi Liên minh châu Âu, Trung Quốc… sẽ áp dụng những biện pháp nhằm “trả đũa”. Nếu chiến tranh thương mại nổ ra, thì hệ lụy là khôn lường với kinh tế và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Và câu chuyện trên cũng không chỉ là những vấn đề liên quan đến thương mại. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro mà Việt Nam sẽ phải đối mặt. Đó là rủi ro với xuất khẩu. Đó là áp lực với tỷ giá, với cán cân thanh toán quốc tế, nhất là khi dòng vốn nước ngoài đảo chiều…
Cần phải nhắc lại rằng, trước khi công bố một loạt biện pháp phòng vệ thương mại, vào tháng 12/2017, Mỹ cũng đã quyết định áp dụng dự luật cải cách thuế mới. Dự luật này được dự báo sẽ tác động nhiều tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu. Thậm chí, một tính toán do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vừa được công bố cho rằng, dự luật thuế mới của Mỹ sẽ tác động tới khoảng 50% lượng vốn FDI toàn cầu, làm dịch chuyển 2.000 tỷ USD tiền mặt của các công ty Mỹ ở nước ngoài quay trở lại nước này, từ đó dẫn tới sự sụt giảm mạnh lượng vốn FDI toàn cầu. Trong bối cảnh đó, không thể nói, Việt Nam không bị ảnh hưởng.
Rõ ràng, có quá nhiều rủi ro mà Việt Nam đang phải đối mặt, khi kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn, khi các nền kinh tế dường như đang bắt đầu một vòng xoáy cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Câu hỏi cần đặt ra là, Việt Nam nên phản ứng chính sách như thế nào?
Đây mới là điều quan trọng nhất. Và đây cũng chính là lý do vì sao, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu, khẩn trương đề xuất các nhiệm vụ, đối sách kịp thời trước việc Mỹ cùng nhiều nước và các đối tác lớn đang điều chỉnh chính sách. Thậm chí, phải sớm nghiên cứu xây dựng kịch bản cụ thể để giải quyết vấn đề này. Theo đó, Bộ Tài chính cần chú trọng chính sách thuế, hải quan; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chú ý chính sách thu hút đầu tư; Bộ Công thương chú ý chính sách xuất nhập khẩu, còn Ngân hàng Nhà nước chú ý chính sách lãi suất, tỷ giá… Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, phản ứng chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành cần kịp thời hơn.
Không thể chậm trễ hơn nữa. Nếu không sớm có sự phòng bị, có phản ứng chính sách nhanh nhạy và kịp thời, thì có thể, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải trả giá.