Cảnh báo sớm
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: “Việc các doanh nghiệp đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất là cần thiết, tuy nhiên, chỉ nên đầu tư sản xuất những dòng sản phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được như phôi thép hoặc thép cán nóng để hình thành dây chuyền sản xuất khép kín. Phải hết sức thận trọng thu hút đầu tư thêm đối với các sản phẩm mình đã có khả năng sản xuất như thép xây dựng, tôn mạ”.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, cảnh báo về việc cân nhắc thu hút các dự án thép không gỉ cán nguội trong giai đoạn đến năm 2020.
Năng lực sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thép không gỉ. Ảnh: Lê Toàn |
Nhu cầu thép không gỉ trong nước không cao, cung đã gần gấp đôi nhu cầu thực tế. Về dự báo thị trường thép không gỉ cán nguội trong nước trong thời gian tới tăng trưởng khoảng 10%/năm, trên cơ sở đó, đến năm 2020, nhu cầu trong nước khoảng 290.000 tấn. Như vậy, với năng lực sản xuất trong nước hiện nay vẫn có thể đáp ứng nhu cầu thép không gỉ cán nguội đến năm 2020, thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước đang có kế hoạch mở rộng sản xuất.
Về thị trường xuất khẩu thép không gỉ cán nguội, trong khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều nhà sản xuất lớn, lượng cung đã vượt cầu. Do đó, việc xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á là khó khăn. Đối với thị trường Mỹ và châu Âu, mức độ cạnh tranh cũng rất khốc liệt, để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, các thị trường này có thể áp thuế chống bán phá giá cho các sản phẩm thép không gỉ cán nguội sản xuất tại Việt Nam. Hiện tại, sản phẩm này của Trung Quốc bị Mỹ và châu Âu áp thuế chống bán phá giá lần lượt là 57 - 193% và 25%.
Thủ tướng yêu cầu bảo vệ môi trường là vấn đề xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc thu hút đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường. Không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm.
“Phân tích trên cho thấy, việc tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ cán nguội sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, giảm hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở trong nước và xuất khẩu”, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Sức ép cạnh tranh và “bẫy” xuất xứ
Ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, ngành thép Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, do trong thời gian qua, ngành công nghiệp thép của Trung Quốc dư thừa nguồn cung, nên nước này đã tìm mọi cách đẩy mạnh xuất khẩu, kể cả bán giá rẻ (thép Trung Quốc bán sang Việt Nam số lượng khá lớn với giá rẻ hơn thép trong nước), khiến áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong các năm 2015 và 2016, ngành thép Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng khá cao, tới trên 20%/năm, tuy nhiên, ngành thép mới hoạt động đạt 67% năng lực sản xuất hiện có.
Tình hình hoạt động của ngành thép Việt Nam trong quý I/2017 không được như mong đợi. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, cả nước sản xuất được trên 4,637 triệu tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ và tiêu thụ thép đạt trên 3,761 triệu tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016.
“Mặc dù có bước tăng trưởng khá trong quý I/2017, song tăng trưởng tiêu thụ thép chỉ đạt 6,7%, trong khi ngành thép đặt kỳ vọng tăng trưởng chỉ tiêu này là 12% cho năm nay”, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ.
Báo cáo điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng chỉ ra, trong giai đoạn điều tra từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2013, lượng tồn kho sản phẩm thép không gỉ tăng gấp 10 lần so với năm 2009. Điều này cho thấy, ngành sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn ngay tại thị trường nội địa.
Các chuyên gia cũng cảnh báo việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà xưởng để sản xuất ở Việt Nam với hai mục tiêu, đó là tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam, đồng thời tránh thuế chống bán phá giá khi xuất sang thị trường Mỹ và một số thị trường khác.
Ngoài ra, các cơ quan hữu trách phải kiểm soát kỹ công nghệ mà các doanh nghiệp sản xuất thép của nước ngoài đưa vào Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp đã có tiền sự gây ra các vấn đề môi trường ở các nước khác.
Ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, việc cấp phép cho các dự án đầu tư sản xuất thép nói chung và thép không gỉ nói riêng cần xem xét đánh giá nhu cầu thị trường, công nghệ, tránh sự cố như Formosa. Từ sự cố này, chưa bao giờ, vấn đề bảo vệ môi trường lại đặt ra bức thiết như vậy. Cũng chưa bao giờ, câu chuyện không đánh đổi phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường lại được đặt ra rốt ráo như vậy.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, đây là một bài học mà từ đó, Việt Nam phải rút kinh nghiệm sâu sắc để không lặp lại những “thảm họa” như trên.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng, phải thận trọng đối với các dự án có tác động liên vùng, cũng như phải gửi thông điệp để các nhà đầu tư hiểu rằng, Việt Nam không chấp nhận trả giá cho sự phát triển kinh tế bằng ô nhiễm môi trường.
“Khi Việt Nam quyết tâm bảo vệ môi trường như tuyên bố của mình, những dự án sạch sẽ tìm đến. Thắt chặt cấp phép dự án, số lượng có thể ít đi, nhưng chất lượng sẽ tốt hơn”, bà Phạm Chi Lan nói.