Y tế - Sức khỏe
Cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần do đại dịch
D.Ngân - 11/10/2021 08:51
Một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% người Việt từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số này đã tăng cao hơn trong đại dịch Covid-19.

Covid-19 tác động mạnh tới nhóm dễ bị tổn thương

Đại dịch Covid-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân.

Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, đang chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra trong đó có sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của nhân dân.

Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian qua có sự thiếu hụt trầm trọng việc cung cấp cho mọi người các dịch vụ sức khỏe tâm thần mà họ cần, trong khi đại dịch Covid-19 lại đang làm tăng thêm các nhu cầu cần hỗ trợ về vấn đề này.

Còn theo Hiệp hội Tâm thần thế giới, khoảng 75% đến 95% người dân có rối loạn tâm thần ở những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình không thể tiếp cận được các dịch vụ về sức khỏe tâm thần và việc tiếp cận dịch vụ sức khỏe tâm thần ở các nước có thu nhập cao cũng chưa được tốt.

Rất nhiều người bệnh có những vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng họ không nhận được điều trị, tư vấn của các nhân viên y tế trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Hơn thế, họ cùng với gia đình và những người chăm sóc còn chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng. 

Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, đang chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra trên mọi mặt kinh tế, xã hội mà đặc biệt đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của nhân dân.

Một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% người Việt từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số này đã tăng cao hơn trong đại dịch Covid-19.

Nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần không được tiếp cận với những dịch vụ y tế khoa học mà thay vào đó là tìm đến những hủ tục mê tín dị đoan như cúng bái, đi lễ…

Khoảng cách giữa người bệnh và các dịch vụ y tế về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng. Người bệnh ngày càng khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn thiếu và yếu. Chẳng hạn, thuốc dùng trong các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng là những thuốc thế hệ cũ, nhiều tác dụng phụ. Nhiều nơi ít có sự tiếp cận với những tiến bộ trong cập nhật kiến thức về sức khỏe tâm thần.

Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I thời gian qua cho thấy tại đây đã nhận điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần trong dịch và hậu Covid-19, điển hình là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung.

Ngoài ra, nhiều trường hợp gặp tình trạng lo âu, căng thẳng, hồi hộp khi đến lịch tiêm ngừa vắc-xin Covid-19, bị sang chấn tâm lý khi phải giãn cách kéo dài. 

Một số trường hợp đến khám bệnh về sức khỏe tâm thần có cuộc sống bị xáo trộn sau khi mất việc làm, giảm lương... do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hầu hết các bệnh nhân này là học sinh, sinh viên và người trong độ tuổi lao động.

PGS.TS.Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I cho biết, kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 cho thấy, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.

Về phía Bộ Y tế theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm gia tăng đáng kể các rối loạn sức khỏe tâm thần, làm trầm trọng hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin theo WHO, tính trên toàn cầu cứ 4 người có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không có gia đình nào không liên quan sức khỏe và có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.

Cần điều trị kịp thời

Trong khi dịch bệnh còn kéo dài, người dân xác định phải chung sống an toàn, thích ứng với dịch thì việc tìm kiếm và giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần trở nên cấp thiết.

Do vậy theo chuyên gia khi người thân có biểu hiện khó ngủ, gặp ác mộng, mệt mỏi, lo âu..., gia đình cần đưa đi khám bệnh ngay để sớm được điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và can thiệp bằng các biện pháp tâm lý, tránh để rơi vào trạng thái trầm cảm, mắc bệnh lý tâm thần.

Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Nguyễn Quang Bính khuyến cáo, người dân cần phải chấp nhận, thay đổi lối sống để thích nghi. Đó là tăng cường rèn luyện sức khỏe thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần trong mùa dịch bằng các liệu pháp đơn giản, như thư giãn, luyện tập yoga, thiền, nghỉ ngơi, đọc sách... 

Khi có các dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, điều trị, nếu không có thể bỏ qua cơ hội sớm để hồi phục.

Ý kiến của một số chuyên gia cũng cho hay, mọi người nên nói ra tâm sự của mình để được chia sẻ, càng nói được với nhiều người, thì càng giải tỏa được lo lắng. Với học sinh, sinh viên nên bình thường hóa cảm xúc bằng cách tăng cường trò chuyện với người thân về cảm giác bất an, sự tổn thương của mình. 

Và trong bối cảnh ấy, vai trò của phụ huynh vô cùng quan trọng, cần biết lắng nghe, động viên con em vượt qua khủng hoảng của bản thân. Trong khi phải ở nhà, hạn chế ra ngoài, học sinh nên dành thời gian cho những sở thích, như hội họa, âm nhạc, rèn luyện thể dục, thể thao...

Riêng đối với người cao tuổi, PGS.TS.Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trong gia đình, người thân cần quan tâm trò chuyện với người cao tuổi để họ không cảm thấy cô đơn. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, người cao tuổi cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, canxi… để tăng cường thể lực. 

“Hiện nay, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ tư vấn trực tuyến, do đó, với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, nên sử dụng phương thức này để chia sẻ, nói chuyện với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, từ đó giảm bớt lo âu”, PGS.TS.Nguyễn Văn Tuấn nêu.

Tin liên quan
Tin khác