Y tế - Sức khỏe
Bộ Y tế: Cần giảm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ chống dịch
D.Ngân - 09/09/2021 11:45
Các nhân viên y tế đang phải chịu nhiều điều bất cập, nhiều áp lực khi căng mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch, nhất là ở các điểm nóng điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Dù chịu nhiều áp lực, song khi được hỏi hầu hết các y, bác sĩ đều cho rằng, với họ việc cứu sống bệnh nhân quan trọng hơn tất cả.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện nhân viên y tế đang phải chịu nhiều điều bất cập, nhiều áp lực khi căng mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch, nhất là ở các điểm nóng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 như TP.HCM.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mỗi bác sĩ, điều dưỡng hằng ngày phải chăm sóc và quản lý từ 140 - 150 F0. Số lượng người bệnh quá lớn khiến chất lượng điều trị và chăm sóc giảm sút.

Mỗi tua làm việc của bác sĩ và điều dưỡng từ 8 - 10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc đồ bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải.

Bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày nếu bị điều động tăng cường. Sau khi kết thúc công việc chuyên môn, nhân viên y tế tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính (có ngày lên đến 12 giờ).

Hằng ngày, nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn là 120.000 đồng/ngày. Khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với các nhân viên hỗ trợ đến từ khu vực miền Bắc gây khó ăn, không đảm bảo sức khỏe chống dịch.

Những trường hợp nhân viên y tế là F0 trong quá trình công tác được điều chuyển lên khu người bệnh. Suất ăn của nhân viên y tế được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn của người bệnh là 80.000 đồng/ngày. 

Lực lượng chốt chặn thường xuyên kiểm tra nghiêm khắc với lực lượng y tế mỗi khi ra ngoài mua thêm đồ ăn, thức uống bổ sung (yêu cầu nhân viên y tế mở túi đồ để kiểm tra). Điều này tạo cảm giác không thoải mái, ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế.

Ở một khía cạnh khác, những áp lực tinh thần, stress của nhân viên y tế cũng đang được nhắc tới. Theo các chuyên gia, dù Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế, nhưng họ tin rằng, số lượng nhân viên y tế tại Việt Nam gặp phải các vấn đề như trầm cảm, lo âu, stress không hề nhỏ.

Một trong những rối loạn thường gặp nhất đối với nhân viên y tế trong mùa dịch bệnh chính là stress. Trong đó, stress đối với cơ thể: Cơ thể chịu nóng trong bộ đồ bảo hộ, nhiều công việc cần giải quyết, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi sẽ dẫn tới kiệt sức, mất ngủ, đau đầu, mất tập trung, giảm trí nhớ...

Ngoài ra, đó còn là các stress tinh thần như phải làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm, áp lực từ người bệnh cần được điều trị, người được cách ly, luôn trong trạng thái sẵn sàng điều động chống dịch và nỗi nhớ gia đình, người thân… Tình trạng này kéo dài không chỉ làm giảm hiệu suất lao động, mà còn tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Thành phố cần yêu cầu các đơn vị đã rút nhân viên ra khỏi bệnh viện dã chiến lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, đảm bảo quân số, tránh tạo áp lực công việc lên những người còn lại.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để họ làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ.

Hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn. Trong tình hình thiếu nhân lực hành chính, đề nghị bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên vào vị trí hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị với mỗi vùng miền.

Các trường hợp nhân viên y tế mắc Covid-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày. Không áp dụng chế độ của người bệnh dành cho nhân viên y tế.

"Đề nghị lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát ra vào trong khu điều trị đối với nhân viên y tế, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế", Thứ trưởng Bộ Y tế nêu.

Dù chịu nhiều áp lực song khi được hỏi hầu hết các y, bác sĩ đều cho rằng với họ việc cứu sống bệnh nhân quan trọng hơn tất cả. Đặc biệt, việc được trò chuyện, chia sẻ, ủng hộ từ người thân, đồng nghiệp và xã hội cũng là liệu pháp giúp giải tỏa stress cho nhân viên y tế đang làm việc trong vùng dịch.

Chia sẻ với phóng viên, một bác sĩ vừa trở về từ tâm dịch TP.HCM cho hay, nhiều đồng nghiệp của anh khi về nhà, bị yêu cầu bỏ lại hết quần áo, trang phục, đồ dùng. Có trường hợp đi cách ly bị yêu cầu mặc quần áo bảo hộ kín mít như khi đang đi điều trị F0. Cũng có trường hợp, nhân viên y tế trở về từ vùng dịch thì chủ nhà trọ không muốn cho ở nữa.

Anh cho rằng, tuy không phải là phổ biến, nhưng đây là sự lo lắng thái quá, dẫn đến hành xử không đáng có đối với những người đã làm việc hết mình để phòng chống dịch, cứu chữa người bệnh.

Tin liên quan
Tin khác