Theo thông tin của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trên thị trường đang lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rokmen XZ Premium. Sản phẩm này đã được Công ty TNHH dược phẩm Fusi (Cụm công nghiệp Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Nội) xác nhận không sản xuất.
Ảnh minh họa. |
Qua tra cứu dữ liệu, Cục ATTP chưa cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rokmen XZ Premium nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm nêu trên. Nếu phát hiện sản phẩm lưu thông trên thị trường đề nghị thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Về bức tranh của thị trường thực phẩm chức năng hiện nay theo Cục An toàn thực phẩm, sau hơn 20 năm phát triển, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh, số lượng sản phẩm đăng ký mới hàng năm có thể lên tới con số chục nghìn, trên 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%.
Ngày nay, người tiêu dùng có thể tìm mua các sản phẩm thực phẩm chức năng ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online, các website hoặc mạng xã hội của chính các công ty phân phối. Sự quan tâm của người tiêu dùng tới hiệu quả của thực phẩm chức năng tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này cũng kéo theo nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng quảng cáo sai sự thật. Các quảng cáo thực phẩm chức năng với những tuyên bố không có căn cứ khoa học, thậm chí lừa dối người tiêu dùng, đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng.
Nhiều công ty sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng đã sử dụng các chiêu trò quảng cáo sai sự thật để thu hút khách hàng. Họ thường đưa ra những tuyên bố thần kỳ về công dụng của sản phẩm, như chữa bách bệnh, cải thiện nhanh chóng sức khỏe hay làm trẻ hóa cơ thể.
Thậm chí, một số quảng cáo còn mạo danh các chuyên gia y tế, sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng hoặc các kết quả nghiên cứu không có thật để tăng tính thuyết phục.
Những hành vi này không chỉ gây ra sự hiểu lầm cho người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Để kiểm soát tránh vàng thau lẫn lộn của ngành này, vừa qua tại một hội thảo về thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho hay, Hiệp hội đang đề xuất hình thức "đèn xanh - đèn đỏ", với màu xanh là các sản phẩm không vi phạm các quy định, trong đó có quảng cáo, sẽ được hiệp hội khuyến nghị sử dụng. Còn sản phẩm "đỏ" là sản phẩm vi phạm, sẽ được cảnh báo cần thận trọng khi sử dụng.
“Đối với những doanh nghiệp quảng cáo mà không có giấy tiếp nhận quảng cáo, kể cả nội dung không sai phạm vẫn là vi phạm.
Còn đối với những doanh nghiệp đã có giấy tiếp nhận quảng cáo, nhưng quảng cáo không đúng với nội dung xin cấp phép cũng là vi phạm. Những danh sách vi phạm này có thể công khai trên nhiều nền tảng để cảnh báo người dân.”, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nêu rõ.
Không riêng doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức và kỹ năng nhận biết các quảng cáo sai sự thật, nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi quyết định sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát quảng cáo cũng là một giải pháp hiệu quả. Các công cụ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo có thể giúp phát hiện nhanh chóng và chính xác các quảng cáo sai sự thật, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời.
Chỉ khi có sự đồng lòng và hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng mới có thể đẩy lùi vấn nạn quảng cáo sai sự thật, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Về vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, có 4 hiện tượng quảng cáo vi phạm phổ biến về thực phẩm chức năng hiện nay, đó là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ, gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo).
Thực tế, không có sản phẩm khoa học nào có tác dụng như quảng cáo đánh bay tiểu đường, chữa dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao, giảm 10 kg trong vòng 1 tuần… Chính những quảng cáo sai phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng đã và đang gây ra những tác hại nguy hiểm cho xã hội.
Phân tích về nguyên nhân của thực trạng, PGS-TS.Trần Đáng cho rằng, chủ yếu hiện nay chế tài xử phạt chưa nghiêm và có những quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tế bởi còn thiếu quy chế pháp luật cho người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo, người phát hành quảng cáo. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý, thanh tra chưa hoàn thiện và chế tài chưa đủ sức răn đe.
“Hiện 225 hội viên tập thể của VAFF rất ít vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng còn nhiều doanh nghiệp khác chưa thực hiện đúng đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng”, vị này thẳng thắn.