Điều này được ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề cập trong cuộc họp về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng vào cuối tuần qua tại Hà Nội. Rằng, đã đến lúc phải quan tâm đến yếu tố chu kỳ của nền kinh tế, bởi thông thường, sau một giai đoạn tăng trưởng cao, nền kinh tế sẽ chững lại.
Điều đáng nói ở chỗ, đây không phải là chuyện riêng của nền kinh tế Việt Nam, mà là chuyện chung của kinh tế toàn cầu. Đầu năm nay, chính Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng, cuộc vui nào rồi cũng kết thúc, rằng năm 2018 sẽ là năm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng gần như với toàn bộ tiềm năng, nhưng tình hình chỉ kéo dài trong “vài năm tới”.
. |
Sau đó, sẽ đến giai đoạn “hạ nhiệt”, thậm chí suy thoái một khi các biện pháp kích thích tăng trưởng, như hạ lãi suất gần như bằng 0 và nới lỏng định lượng bắt đầu mất hiệu quả…
Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, yếu tố chu kỳ cũng “vận” cả vào nền kinh tế Việt Nam. Bởi thế, dù trong hiện tại, tăng trưởng kinh tế đang ở mức cao, song vẫn cần cẩn trọng và thậm chí cần tầm nhìn xa, dự báo cả giai đoạn 2019 - 2020 để sớm chuẩn bị các phương án ứng phó trước những biến động của kinh tế toàn cầu, từ đó đưa ra giải pháp điều hành phù hợp, hiệu quả.
Đó là câu chuyện dài hạn. Nhưng ngay cả trong ngắn hạn, cũng còn rất nhiều rủi ro, thách thức ở phía trước đòi hỏi phải cẩn trọng trong điều hành.
Một thực tế khá rõ ràng là, sau đà tăng trưởng kỷ lục 6,81% của năm ngoái và đặc biệt là 7,38% của quý I năm nay, cả nền kinh tế hồ hởi với những thành công trên. Nhưng nếu sớm hài lòng, thỏa mãn với các kết quả đạt được, thì có thể dẫn tới lơ là, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đề ra. Chính phủ đã nhiều lần cảnh báo điều này.
Chưa kể, sau quý I năm nay, khi các dự báo cho thấy, có thể mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì trong năm 2018, thì cũng nảy sinh một mối lo khác. Đó là nếu kỳ vọng vào mô hình truyền thống, thì khi không còn chuyện quý sau tăng cao hơn quý trước, sẽ dễ xuất hiện tâm lý bị thất vọng, mất động lực và niềm tin trong triển khai nhiệm vụ được giao.
Cả hai tâm lý này đều không nên tồn tại, bởi dù tăng trưởng GDP quý I/2018 cao nhất trong cùng kỳ 10 năm qua, song mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay vẫn được xác định là “một thách thức lớn”. Nếu không tiếp tục nỗ lực, nếu chủ quan, tất yếu sẽ gặp khó khăn trong thực hiện mục tiêu này, nhất là khi kinh tế thế giới diễn biến khá phức tạp, khó lường, trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại và làn sóng bảo hộ mậu dịch lan rộng...
Hôm nay, Chính phủ sẽ họp phiên thường kỳ tháng 3. Rất có thể, những lời cảnh báo về rủi ro và thách thức của nền kinh tế sẽ tiếp tục được đưa ra. Điều đó là cần thiết để có thêm những giải pháp điều hành phù hợp, hiệu quả.