Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng CKS để buôn lậu, DN phải tự bảo vệ mình. Ảnh: Q.H |
Bắt đầu từ 1/4/2014, Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, toàn bộ tờ khai mà doanh nghiệp khai báo đều được thực hiện bằng phương thức điện tử. Để tham gia khai báo trên Hệ thống, một trong những điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp là phải đăng ký chữ ký số với cơ quan Hải quan. Quá trình này giúp doanh nghiệp chứng thực những thông tin khai báo trên tờ khai hải quan khi gửi đến cho cơ quan Hải quan (xác nhận qua chữ ký số là đúng các thông tin mà doanh nghiệp gửi đến để làm thủ tục hải quan).
Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động được cơ quan Hải quan phát hiện là việc lợi dụng chữ ký số để cố tình khai báo sai tên hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi. Chính những cán bộ được doanh nghiệp tin tưởng phân công thực hiện khai báo hải quan lại sử dụng chữ ký số để buôn lậu. Các doanh nghiệp chỉ biết được sự thật khi lực lượng Hải quan tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm kỹ về các biện pháp bảo mật chữ ký số, vì vậy tạo ra sơ hở để đối tượng buôn lậu lợi dụng. Mặt khác, một số đối tượng khi làm thủ tục đã đăng ký, sử dụng chữ ký số của nhiều đơn vị cung cấp, sau đó cất giữ chữ ký số trái phép và sử dụng vào mục đích bất chính.
Điển hình là mới đây nhất Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH B.C.P và chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tiếp tục thụ lý. Chính cán bộ do Công ty này giao phụ trách khai báo hải quan đã tự ý đăng ký, sử dụng nhiều chữ ký số (đều đứng tên Công ty B.C.P) để khai báo hải quan. Cụ thể, sử dụng chữ ký số do Công ty B.C.P đứng tên, đối tượng đã tiến hành khai báo hải quan cho lô hàng là “Lưới bảo vệ bằng thép để lót sản phẩm gỗ” gồm 3 container loại 40 feet. Từ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ quan Hải quan phát hiện không có mặt hàng lưới bảo vệ bằng thép để lót sản phẩm gỗ đã khai báo mà là hàng chục nghìn sản phẩm sữa Ensure và thực phẩm bổ sung sữa Glucerna hương vani (hiệu Abbott), đều có xuất xứ Mỹ.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, trong quá trình thực hiện khai báo hải quan, các đối tượng buôn lậu trên cũng nắm rất rõ các thông tin liên quan tờ khai hải quan của doanh nghiệp như: Xếp hạng của doanh nghiệp, chế độ ưu tiên về thuế, loại hình XNK thường thực hiện, hàng hóa thường giao dịch, thông tin về lô hàng, tuyến đường, đối tác... Sau khi nắm được quy luật, đối tượng đã sử dụng chữ ký số trái phép để đăng ký tờ khai đứng tên doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật Hải quan, với các thông tin đã chuẩn bị như trên kết hợp cùng vận đơn, số container chứa hàng hóa vi phạm để khai báo với cơ quan Hải quan. Ngay sau khi được cơ quan Hải quan chấp nhận thông quan, đối tượng sẽ thực hiện ngay thủ tục về thuế để tránh bị doanh nghiệp phát hiện và sử dụng các giấy tờ giả mạo doanh nghiệp để làm thủ tục thông quan cho lô hàng. Trường hợp lợi dụng gian lận như trên sẽ rất khó phát hiện vì ngay chính bản thân doanh nghiệp bị lợi dụng để mở tờ khai cũng không biết thông tin về lô hàng, tờ khai đã được đăng ký tên doanh nghiệp nếu không thường xuyên kiểm tra, đối chiếu.
Để ngăn chặn tình trên, theo cơ quan Hải quan, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình. Trước tiên doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi, đối chiếu số liệu xuất nhập khẩu; quản lý chặt chữ ký số, gắn trách nhiệm của từng cá nhân sử dụng chữ ký số. Nếu doanh nghiệp nào buông lỏng quản lý để các đối tượng lợi dụng chữ ký số thực hiện hiện hành vi buôn lậu thì doanh nghiệp đó, lẫn đối tượng buôn lậu, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.