Thông tin hấp dẫn
Chị Trần Thị Thảo, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM kể, cuối tháng 5/2018, chị nhận được điện thoại từ nhân viên công ty môi giới bất động sản tại quận 2 giới thiệu công ty có hơn 10 lô đất phân lô tại đường Trần Não (quận 2, TP.HCM) do ngân hàng thanh lý với giá chỉ 850 triệu đồng/lô 60 m2.
Ngân hàng thanh lý đất chỉ là chiêu lừa đảo của dân môi giới. |
“Theo giới thiệu, khu đất thanh lý được chủ cũ thế chấp tại ngân hàng, nhưng đã mất khả năng trả nợ. Do đó, ngân hàng liên kết với công ty bất động sản làm lại hạ tầng, phân lô bán nền, sau đó phát triển thành khu dân cư”, chị Thảo kể.
Cũng theo chị Thảo, nhân viên nói trên còn cam kết rằng, sau khi thanh toán 95%, khách hàng sẽ được làm thủ tục sang tên, công chứng luôn. Nếu mua theo hình thức trả chậm, khách hàng chỉ cần thanh toán trước 50%, số còn lại trả chậm trong 6 tháng không lãi suất.
“Giai đoạn này, công ty chỉ bán 50 nền có diện tích 90 - 100 m2, giá 520 - 650 triệu đồng/nền. Qua Tết, công ty sẽ tiếp tục mở bán giai đoạn II và giá sẽ tăng lên 15%. Như vậy, nếu chị mua ngay giai đoạn này, thì qua Tết đã lời ít nhất 15%”, nhân viên môi giới khẳng định với chị Thảo.
Nhưng khi chị Thảo đề nghị được xem giấy tờ và vị trí lô đất trước khi mua đất, thì nhân viên môi giới nói sổ đang được thế chấp tại ngân hàng và lô đất đang xây dựng hạ tầng nên chưa thể coi được. Thấy giá cả khá phù hợp, song giấy tờ có vẻ nhập nhằng, nên chị Thảo chưa quyết định xuống tiền.
Thời gian qua, tại các khu nhà trọ ở các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều thanh niên giới thiệu là nhân viên môi giới bất động sản và nhân viên ngân hàng tới chào bán dự án đất nền giá rẻ do ngân hàng thanh lý.
Ông Trần Văn Hửng, công nhân tại một nhà máy giày da ở Khu công nghiệp Tân Tạo, ở trọ tại Khu dân cư Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP.HCM kể, một buổi tối, khi gia đình ông đang ăn cơm thì có đôi nam nữ trẻ giới thiệu là nhân viên ngân hàng tới chào bán đất nền thanh lý. Theo lời họ, để thu hồi nợ xấu, Vietcombank cần thanh lý nhanh đất nền Bình Dương giá chỉ từ 90 triệu đồng/nền.
“Thấy giá rẻ, tôi bàn với gia đình mua, sau đó về Bình Dương xây nhà ở và chuyển xuống khu công nghiệp dưới đó làm việc. Tuy nhiên, khi người quen của tôi liên hệ với phía ngân hàng thì họ nói không có đất nào thanh lý như trên và cảnh báo đây là chiêu lừa đảo”, ông Hửng nói.
Chiêu dẫn dụ người mua
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Ngân hàng VIB Chi nhánh quận 2, TP.HCM cho biết, khi thanh lý tài sản, các ngân hàng thường đăng tải thông tin trên website và các phương tiện truyền thông, chứ không sử dụng hình thức phát tờ rơi dọc đường, dán cột điện hoặc thông qua cò đất. “Vì vậy, có thể khẳng định, thông tin trên tờ rơi, tin nhắn rao bán đất là tài sản thanh lý của ngân hàng đều là mạo danh. Các cò đất hoặc công ty môi giới sử dụng chiêu này để dễ dụ được người mua hơn”, ông Nam nói.
Theo chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, trước khi quyết định mua đất, khách hàng phải kiểm tra kỹ xem đất đã ra sổ chưa. Đối với tài sản đã thế chấp thì cần quan tâm xem đã được giải chấp chưa. Nếu không kiểm tra kỹ, lỡ dính vào một tài sản thế chấp thì sau này khách hàng sẽ rất phiền toái.
“Cứ cho là quỹ đất ở TP.HCM ngày càng cạn kiệt, nhưng cũng không đến mức nhà đầu tư phải ‘vơ bèo vạt tép’, lao vào mua những dự án đất nền dính líu đến thế chấp, thanh lý cho mệt. Hiện không thiếu dự án có giấy tờ pháp lý đầy đủ, quy hoạch bài bản do các chủ đầu tư uy tín chào bán, khách hàng đầu tư vào những dự án như thế sẽ an toàn hơn rất nhiều”, ông Tín phân tích.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, về khía cạnh thị trường, những mỹ từ như thanh lý giá rẻ chỉ là kỹ thuật quảng cáo nhằm lôi kéo khách hàng. Bằng thuật ngữ tài sản ngân hàng thanh lý, người môi giới nhà đất đánh vào tâm lý người dân rằng, cái gì thanh lý đều có giá rẻ và có ngân hàng đứng đằng sau thì sẽ an tâm hơn. Thực tế, đa phần nền đất này đều ở xa, thuộc loại kén người mua hoặc là miếng đất lớn, nay được phân lô, tách thửa để đẩy hàng nhanh hơn.
“Những lô đất có giá thấp hơn giá trung bình trên thị trường thường tiềm ẩn rủi ro pháp lý: hoặc giấy tờ chưa hợp lệ, hoặc khu vực đó chưa được phép phân lô, tách thửa. Do đó, nhà đầu tư cần phải đặc biệt quan tâm để tránh mất tiền oan”, ông Hiển khuyến cáo.
Luật sư Nguyễn Đình Thái (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định, thực chất đây chỉ là chiêu trò mạo danh của môi giới để bán nhà đất. Họ có thể là người của các công ty bất động sản, công ty môi giới hoặc hoạt động tự do... Tuy nhiên, không loại trừ các trường hợp sử dụng hình ảnh, thông tin các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng để giao dịch nhà, đất.