Khái quát về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tại hội thảo liên quan đến cơ hội đầu tư bất động sản nửa cuối năm 2019, PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng mô tả, giữa một thế giới bất ổn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng đi xuống thì Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng khá tốt, ngược lại hoàn toàn với xu hướng chung của thế giới.
“Việc IMF lần thứ ba liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ trong vòng 6 tháng qua hàm ý về một tương lai không mấy tươi sáng của kinh tế toàn cầu. Trên góc độ chuyên gia, chúng tôi nhìn nhận có sự lệch nhịp của Việt Nam so với thế giới và đây là điều rất đáng lưu ý. Tính bất định, bất ổn của thế giới khiến Việt Nam gặp khó trong việc đưa ra những tính toán cụ thể”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nói.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo, có độ trễ của tác động khủng hoảng kinh tế thế giới tới Việt Nam và Việt Nam đã từng có một bài học về điều này.
“Những năm 2006-2008, Việt Nam cũng ở trong hoàn cảnh gần như tương tự, thậm chí có những quan điểm trong nước tự tin Việt Nam miễn nhiễm với khủng hoảng, nhưng thực tế thế nào cũng đã chứng minh. Giờ thế giới đang có những bất ổn, một số mặt có thể nói là khủng hoảng, do vậy các nhà đầu tư cần cảnh giác”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu.
Dù đưa ra cảnh báo như trên, nhưng nhìn trong ngắn hạn, các chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
PGS-TS. Trần Đình Thiên đánh giá, do có thị trường với độ mở cao cùng sự trợ lực của đầu tư nước ngoài và mảng du lịch, do vậy, thời gian tới tăng trưởng có thể giảm so với chính Việt Nam nhưng vẫn giữ được đà tăng trưởng trong 2-3 năm tới.
Giữa một xu thế bất ổn của thế giới, đà tăng trưởng của Việt Nam thể hiện rõ nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ vần cần phải lưu ý một số vấn đề đặt ra như, kinh tế tốt lên nhưng lòng tin xã hội vẫn có vấn đề; tại sao Chính phủ cắt giảm thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh mà số doanh nghiệp đóng cửa vẫn lớn; dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, quốc tịch Trung Quốc gia tăng nhanh...
“Tôi tin Việt Nam vẫn là một ốc đảo yên bình trong bối cảnh thế giới hiện nay, do vậy vẫn thu hút được sự quan tâm nhất định của các nhà đầu tư trên thế giới. Tổng thống Donald Trump thậm chí nhắc tên Việt Nam như một địa chỉ đầu tư để bán hàng sang Mỹ. Việt Nam cần phải nắm bắt và tận dụng những lợi thế này”, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói.