Dự đoán ca mắc, ca nặng sẽ tăng
Qua báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong 4 ngày nghỉ lễ, cả nước có 4.618 người đến khám vì Covid-19, trong đó 2.477 người nhập viện điều trị nội trú.
Trong những ngày qua, Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng. Chuyên gia dự báo, dịch có thể sẽ tăng cao, đặc biệt là sau kỳ nghỉ lễ. |
Trong 4 ngày cũng ghi nhận 17 bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong đó có 7 ca tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, 10 ca nặng tiên lượng tử vong xin về.Như vậy, sau gần 4 tháng không có tử vong vì Covid-19, nước ta đã ghi nhận gần 20 ca tử vong.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, các điểm du lịch, khu vui chơi, nhiều địa phương tổ chức lễ hội chào hè đã thu hút rất đông người đến.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dụ phòng cũng lo ngại, sau kỳ nghỉ lễ, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng, nhưng không tăng ngay mà có thời gian ủ bệnh, có người có triệu chứng sớm sau khoảng 3-4 ngày, có người 2 tuần mới phát bệnh.
Cũng theo chuyên gia, số ca mắc tăng tăng đồng nghĩa với ca nhập viện và ca nặng cũng tăng. Để bảo vệ nguy cơ mắc và bệnh tăng nặng, người dân cần tuân thủ theo lịch tiêm vắc-xin của Bộ Y tế.
Đặc biệt, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai là những đối tượng nguy cơ cao thì cần tiêm vắc-xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại để bảo vệ được tốt hơn.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM, nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tại thành phố gia tăng là do một số biến thể mới của Omicron xuất hiện, người dân có phần lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19, miễn dịch của người dân đối với bệnh Covid-19 đang giảm dần.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến với nhiều biến thể phụ, ông Dũng khuyến cáo, cần tăng cường tiêm vắc-xin cho người có bệnh nền, người cao tuổi,… vì khi số ca mắc tăng cao thì trong đó có một tỷ lệ nhất định diễn tiến nặng và có thể tử vong.
Còn với cộng đồng nói chung, các chuyên gia khuyến cáo việc thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19 cần phải thường xuyên, liên tục.
Với biến thể Omicron thì vắc-xin phòng Covid-19 vẫn có hiệu quả. Vì vậy, những người chưa tiêm đủ mũi vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế nên khẩn trương tiêm để phòng bệnh tốt nhất.
Ngoài việc tiêm đủ các mũi vắc-xin, người dân nên thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn để phòng, chống lây nhiễm Covid-19.
Chủ động các biện pháp phòng chống
Từ đầu tháng 4, Covid-19 gia tăng trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc-xin tập trung cho đối tượng nguy cơ cao là người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai.
Theo đó, tại một số địa phương đã tổ chức thực hiện tiêm vắc-xin xuyên kỳ nghỉ lễ, điển hình là TP.HCM đã triển khai 61 điểm tiêm vắc-xin xuyên suốt tại 22 quận, huyện.
Với công tác điều trị, các bệnh viện đã sẵn sàng kích hoạt, chuẩn bị thuốc, vật tư, cơ số giường để sẵn sàng điều trị Covid-19 nếu số ca mắc gia tăng sau kỳ nghỉ lễ.
Cụ thể, tại TP.HCM, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành Y tế luôn sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19 với tinh thần không lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, lo sợ quá mức.
Ông Thượng lưu ý, các bệnh viện cần tập trung điều trị bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận những ca Covid-19 nặng từ các bệnh viện khác.
Bệnh viện Dã chiến số 13 được kích hoạt để chủ động tiếp nhận bệnh nhân nặng khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có trên 50 ca nặng.
Giám đốc Sở Y tế còn chỉ đạo các bệnh viện khẩn trương rà soát tình hình trang thiết bị, vật tư, hóa chất, test xét nghiệm Covid-19… Có phương án mua sắm bổ sung kịp thời để phục vụ công tác chống dịch.
Với Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế cũng cho hay đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường thu dung, điều trị ca bệnh Covid-19.
Các bệnh viện xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19, kích hoạt giường điều trị được phân công theo tình hình diễn biến dịch bệnh.
Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thanh Nhàn, chuyên khoa đầu ngành hồi sức cấp cứu và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, đầu ngành truyền nhiễm rà soát nhân lực, trang thiết bị, quy trình chuyên môn… của mạng lưới hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm đảm bảo đáp ứng tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, tổ chức tập huấn, tập huấn lại về hồi sức cấp cứu và điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.
Tại TP.HCM, do số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ trên địa bàn TP.HCM, vì vậy HCDC hướng dẫn người dân mắc Covid-19 tự cách ly, điều trị.
Theo đó, F0 cách ly đủ 7 ngày tại nhà, hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly và không được ra khỏi nhà. Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0.
Trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 và 14 ngày đối với người chưa đủ liều vắc-xin. Sau đó liên hệ với trạm y tế phường để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly.
Hiện hệ thống cơ sở điều trị Covid-19 tại thành phố tiếp tục được thực hiện theo mô hình tháp 3 tầng. Theo đó, tầng 1 là cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và nhẹ; tầng 2 là cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ vừa và nặng; tầng 3 là cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch.