Ngân hàng
Cảnh giác với nợ xấu
Thùy Liên - 24/04/2013 16:56
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát tín hiệu hoãn thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) về phân loại nợ và dự phòng rủi ro khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) và ngân hàng rất phấn khởi. Song đang có những lo ngại nếu quyết định này được chính thức đưa ra, bởi thực trạng nợ xấu hiện đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
TIN LIÊN QUAN
   
  NHNN dự định hoãn thực hiện Thông tư 02 nhận được sự ủng hộ của cả cộng đồng DN và ngân hàng.  

Cách đây đúng 1 năm, NHNN đã ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN (Quyết định 780) cho phép các tổ chức tín dụng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với những DN khó trả nợ.

Quyết định chưa từng có tiền lệ trên thế giới này đã giúp nhiều DN và cả ngân hàng có thêm thời gian giải quyết khó khăn.

Song niềm vui chưa được bao lâu, khi đầu năm nay, NHNN lại ban hành Thông tư 02, theo đó, từ ngày 1/6/2013, hầu như toàn bộ khách hàng được gia hạn nợ bị quay trở lại bảng nợ xấu.

Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng Thông tư 02 có thể khiến dòng vốn bị tắc, thậm chí còn khiến không ít DN lâm vào cảnh phá sản vì bị siết nợ.

Mong muốn tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, phục hồi sản xuất, vì vậy cũng sẽ khó thực hiện.       

Việc áp dụng Thông tư 02 từ ngày 1/6 tới không chỉ tác động tới DN, mà có thể khiến ngân hàng gặp khó khăn hơn, bởi nợ xấu tăng vọt, đồng nghĩa với chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng lên, ăn mòn lợi nhuận, thậm chí “ăn” cả vào vốn điều lệ của ngân hàng.

Do đó, dễ hiểu vì sao, việc NHNN dự định hoãn thực hiện Thông tư 02 nhận được sự ủng hộ của cả cộng đồng DN và ngân hàng. 

Cái lợi của việc hoãn phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế đã rõ, nhưng lo ngại cũng không phải là ít. Quyết định 780 dù đã thực hiện đúng sứ mệnh “giải cứu” DN và ngân hàng trong bối cảnh khó khăn, nhưng đến nay, vẫn chưa có báo cáo nào từ cơ quản quản lý cho thấy, trong số 272.000 tỷ đồng nợ xấu được gia hạn, giãn nợ, có bao nhiêu phần trăm được giải cứu thành công. Tỷ lệ DN thoát hẳn khỏi nợ xấu nhờ Quyết định 780 cũng không cao.

Điều này có nghĩa, phần lớn nợ xấu chỉ tạm được che mờ, chứ chưa được giải quyết triệt để. Trong bối cảnh đó, nếu tiếp tục giãn nợ, thì có thể cứu các DN này thoát khỏi khó khăn, hay chỉ khiến DN kéo dài thời gian hấp hối? Có lẽ đã đến lúc, cơ quan quản lý phải đánh giá lại hiệu quả của chính sách giãn nợ, trước khi đưa ra những quyết định khác.

Một vấn đề nữa đặt ra là, việc áp dụng Quyết định 780 hay hoãn thực hiện Thông tư 02 tuy góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và ngân hàng, nhưng lại khiến nợ xấu trở nên “ảo” hơn. Việc duy trì một con số “đẹp” về nợ xấu có thể khiến cả ngân hàng, DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước chủ quan với nợ xấu. Điều này cực kỳ nguy hiểm một khi bong bóng nợ xấu vỡ, bởi hậu quả e rằng quá lớn.

Với sức khỏe của các ngân hàng và DN hiện nay, việc áp dụng ngay Thông tư 02 là quá sốc, song nếu có hoãn, cũng chỉ nên giãn, hoãn 6 tháng. Sau thời gian đó, nếu sức khỏe DN không tốt lên, thì các khoản nợ phải được trở về đúng với bản chất của nó.

Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, không nên trì hoãn quá lâu việc thực hiện nguyên tắc quản trị rủi ro, phân loại nợ xấu theo chuẩn quốc tế. Với Việt Nam trong khi chưa áp dụng tiêu chuẩn mới về phân loại nợ xấu, cần gấp rút thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) để xử lý nợ xấu. Riêng các ngân hàng thương mại, dù được hoãn thực hiện Thông tư 02, song cũng cần nhận diện đúng bản chất nợ xấu để đề phòng rủi ro và có hướng xử lý thích hợp.

Tin liên quan
Tin khác